Nhật báo Les Echos số ra mới đây cho biết bất ổn an ninh xã hội ở Kazakhstan đang khiến cả thế giới quan tâm bởi vì nước này nắm giữ nhiều tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Kazakhstan được thiên nhiên ban tặng nhiều trữ lượng khoáng sản, đặc biệt là uranium, crom và dầu mỏ. Điều này khiến quốc gia, từng là một phần của Liên xô cũ, trở thành một miền đất quan trọng trên thị trường thế giới mặc dù ít được nhắc đến.
Trữ lượng khoáng sản khổng lồ
Cũng giống như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Congo ở châu Phi, Kazakhstan được gọi là "Eldorado của Xứ sở băng giá," bởi nước này nắm giữ trữ lượng quan trọng nhất nhì thế giới của các kim loại quý và kim loại thông thường. Trữ lượng và sự đa dạng đặc biệt ấn tượng của nguồn tài nguyên đã khiến Kazakhstan trở thành một trong mười quốc gia hàng đầu sản xuất và sở hữu nhiều mỏ khoáng sản.
Về uranium, Kazakhstan là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị phần, đứng trên cả Canada. Về sản lượng xuất khẩu kim loại và hydrocacbon, nước này chỉ đứng sau Australia. Kazakhstan cũng đứng đầu thế giới về crom (chiếm 1/3 sản lượng toàn cầu) và đứng thứ sáu về chì và kẽm (5% trữ lượng thế giới). Liên quan đến trữ lượng các mỏ kim loại khác, Kazakhstan được xếp vào top 10 trên thế giới về sắt, mangan, đồng, vonfram, bauxite, thiếc, than, coban, titan, vàng, molypden và những kim loại hiếm hữu ích trong các ngành công nghệ cao.
Kazakhstan cũng có sản lượng dầu khí vô cùng lớn, đứng thứ 10 trong số các nước xuất khẩu. Các cuộc thăm dò trữ lượng vào những năm 1990 ở Biển Caspi đã mang lại hy vọng biến quốc gia này thành một "Kuwait mới" và cách đây 10 năm Astana đã nhanh chóng vươn hàng các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Nhưng trên thực tế, trữ lượng dầu khí ở đây chỉ chiếm 3% tổng trữ lượng của thế giới. Mặc dù vậy, việc khai thác dầu khí cho đến nay vẫn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cùng với khai khoáng, nguồn nhiên liệu chiến lược này cũng đóng góp vào 1/3 GDP của Kazakhstan.
Trung tâm tài chính và hậu cần Trung Á
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên thiên tuy phong phú, nhưng hữu hạn. Do ý thức được điều này, từ 15 năm trước, Kazakhstan đã chủ động xây dựng chiến lược đa dạng hóa các ngành nghề để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ dầu khí và khai khoáng.
Chính chiến lược phát triển đa dạng này đã giúp Kazakhstan sau đó trở thành một trung tâm tài chính trong khu vực Trung Á. Mặt khác, vị trí địa lý khiến nước này đóng vai trò quan trọng về hậu cần, là ngã tư kết nối Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, và Ấn Độ, thông qua các Con đường Tơ lụa nổi tiếng.
[Hai kịch bản cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Kazakhstan]
Tuy nhiên đất nước này cũng gặp phải những thách thức đáng kể trong quá trình phát triển. Do không giáp biển nên việc xây dựng đường sá, đường ống và đàm phán vận chuyển với các nước láng giềng cũng rất tốn kém. Trong số 40 quốc gia không có đường biển, Kazakhstan là quốc gia lớn nhất. Với diện tích tương đương 2/3 châu Âu, nhưng dân số lại ít hơn 30 lần. Đất nước này được coi là “quê hương của quả táo” nhưng ngành nông nghiệp vẫn chưa phát triển. Nguồn thu từ thuế vẫn chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí và khoáng sản.
Do đặc điểm khí hậu của nước này đặc biệt khắc nghiệt, nóng nực vào mùa Hè và băng giá vào mùa Đông, việc khai thác các nguồn tài nguyên trong bối cảnh địa chất và khí hậu khó khăn đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính và trên hết là bí quyết công nghệ nước ngoài. Điều này giải thích tại sao sau khi tách khỏi đế chế Liên Xô cũ, dưới thời lãnh đạo của Nursultan Nazarbayev, một loạt các chính sách ưu đãi đã được đưa ra để kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Người Trung Quốc, người châu Âu, người Nga và trên hết là người Mỹ đã đổ xô đến nơi này. Đặc biệt 5 năm trước, Chevron đã đầu tư 36 tỷ USD vào việc phát triển dự án dầu mỏ khổng lồ Tengiz. Trong số các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ, Kazakhstan là nước thu hút khối lượng đầu tư bình quân đầu người cao nhất, nhờ việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý và tài khóa đáng tin cậy và hấp dẫn hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Từ vài năm trở lại đây, Kazakhstan trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giao dịch bằng đồng tiền điện tử Bitcoin. Kể từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) yêu cầu đóng tài khoản của các công ty mua, bán hoặc quản lý tiền điện tử, các tỉnh của Trung Quốc, nơi đặt các trung tâm khai thác, quản lý và xác thực các giao dịch bằng tiền Bitcoin, đã cắt nguồn cung cấp điện cho những công ty khai thác này. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đến Kazakhstan. Quốc gia này hiện đứng thứ hai trên thế giới trong bảng xếp hạng các trang web khai thác Bitcoin nóng nhất.
Các công ty tài chính tiền ảo này tuy mang lại nguồn thu nhưng cũng tiêu thụ một sản lượng điện không hề nhỏ. Từ khi các hệ thống này đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng điện của nước này đã tăng 8% kể từ đầu năm. Do ba nhà máy nhiệt điện than lớn ở miền bắc đất nước phải đóng cửa khẩn cấp vào tháng 10/2021, nhà điều hành lưới điện của đất nước này Kegoc cho biết họ sẽ bắt đầu phân bổ lượng điện cho 50 công ty khai thác tiền Bitcoin đã đăng ký với chính phủ và cảnh báo rằng họ sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên bị cắt điện trong trường hợp mạng lưới điện bị bị quá tải hoặc có trục trặc.
Chính nguy cơ gián đoạn hoạt động thị trường tiền điện tử do bị cắt điện, cùng với những bất ổn xã hội ở nước này đang khiến thế giới quan tâm và lo ngại về những ảnh hưởng đối với thị trường nguyên liệu, nhiên liệu và tài chính thế giới./.