Ngày 27/4, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), chào mừng 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), tại Hầm chỉ huy Đại đội 22, thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình “Bia tưởng niệm Liệt sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và thả hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên biển.
Bia tưởng niệm được xây dựng trên diện tích gần 500m2, với tổng số tiền 450 triệu đồng. Toàn bộ số tiền được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, quyên góp.
Bia tưởng niệm được xây dựng với hình dáng hai cánh buồm mở rộng hướng về biển. Mặt trước của bia khắc hai dòng chữ lớn thể hiện quyết tâm của quân và dân Vĩnh Linh “Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu” và “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn.” Ngoài ra, công trình Bia tưởng niệm còn có các hạng mục khác như sân bêtông, cây xanh, hàng rào...
Công trình tâm linh này được xây dựng có ý nghĩa lớn sẽ là nơi khắc ghi những chiến công oanh liệt, để thế hệ hôm nay và mai sau được tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã tiến hành trao tặng 30 suất quà trị giá 30 triệu đồng cho các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng của các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim. Đồng thời, các đoàn viên, thanh niên cùng đông đảo người dân trong tỉnh đã đến dâng hương, lên thuyền thả hoa xuống biển tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với chủ trương bảo vệ và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, ngày 13/3/1965, Đại đội 22, thuộc Trung đoàn 270 được thành lập làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo. Đơn vị ban đầu gồm có 40 cán bộ, chiến sỹ và lực lượng bổ sung có 80 thanh niên dân quân trực chiến của bốn xã vùng biển gồm Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Linh).
Chỉ với 15 chiếc thuyền được huy động từ các xã ven biển từ năm 1965-1971, Đại đội 22 đã mở đường máu vận chuyển tổng cộng gần 7.000 tấn vũ khí, khí tài, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước ngọt, vật liệu xây dựng công sự trận địa cho đảo Cồn Cỏ, bên cạnh đó, tiếp nhận, chuyển an toàn thương binh, bệnh binh về đất liền điều trị. Trong cuộc chiến đấu oanh liệt đó, Đại đội 22 có 76 chiến sỹ bị hy sinh và mất tích./.