Sáng 21/4, trên phố sách Hà Nội, nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của lịch sử Hà Nội-Thăng Long ngàn năm văn hiến, điểm đến yêu thích của bạn đọc, người yêu sách Thủ đô, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, nhận thức rất rõ vai trò của sách, của văn hóa đọc, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản và văn hóa đọc.
Đặc biệt, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sách, đối với sự phát triển của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
Sau 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Từ kết quả của các năm tổ chức Ngày sách, nhận thấy hoạt động xuất bản sách cần gắn kết với phát triển văn hóa đọc bởi văn hóa đọc vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu của người làm sách, Luật Thư viện ra đời năm trong đó đã quy định những nội dung phát triển văn hóa đọc, xác định rõ ngày 21/4 là Ngày sách và văn hóa đọc.
Năm 2021, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam, triển khai các nội dung của Luật Xuất bản và Luật thư viện, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đã đề xuất với Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 284/QĐ-TTg nhằm mở rộng không gian tổ chức ngày sách, nâng nhận thức xã hội về sách và văn hóa đọc lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Ngày Sách trở thành Ngày Sách và văn hóa đọc.
[Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022: Khát vọng phát triển đất nước]
Phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản đề cao trách nhiệm xã hội, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng giáo dục, văn hóa và sự đa dạng, hấp dẫn của sách.
Các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm đẩy mạnh xây dựng các không gian sách hiện đại, chuyên nghiệp cả trên thực địa cũng như trên không gian mạng, phải để cho mỗi nhà sách, hiệu sách, gian hàng điện tử thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, là thiết chế văn hóa quan trọng đáp ứng nhu cầu xã hội.
Cộng đồng các doanh nghiệp chung tay, cùng ngành xuất bản, ngành thư viện đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc với tinh thần, đầu tư cho xuất bản và văn hóa đọc là đầu tư vào nguồn lực con người, cũng là nguồn lực lớn nhất đem đến sự thành công, thịnh vượng cho mỗi doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cũng kêu gọi các trường học và mỗi gia đình hãy quan tâm hơn nữa đến sách, chăm chút cho thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình và nhà trường.
Bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm, mỗi người hãy thể hiện tình yêu sách, say mê đọc sách để qua đó truyền thông điệp về những giá trị tốt đẹp trong mỗi cuốn sách đến với những người xung quanh; kiến nghị các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị xã hội cùng các địa phương trên cả nước tạo mọi điều kiện thuận lợi xây dựng nền tảng cho văn hóa đọc phát triển; đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho các thiết chế thư viện, nhà văn hóa, điểm đọc sách cộng đồng nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân đến với sách; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bằng những việc làm thiết thực hôm nay sẽ khơi dậy và phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành thói quen đọc sách của từng cá nhân; tạo dựng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng.
Dịp này, với mong muốn đưa văn hóa đọc trở thành một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, góp phần nâng cao thói quen đọc sách, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi tặng 1.000 đầu sách cho Ban Quản lý Phố sách Hà Nội và Trung tâm tư vấn và tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.