Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập

Đại sứ Trần Thành Công đánh giá tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế của Việt Nam với thành phố Alexandria nói riêng và Ai Cập nói chung là rất lớn.
Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập ảnh 1Bí thư thứ nhất, Trưởng bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Duy Hưng có bài thuyết trình về lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước cũng như cung cấp thêm thông tin và giải đáp nhiều câu hỏi mà các đại diện doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 17/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập phối hợp với Phòng Thương mại Alexandria tổ chức hội thảo với chủ đề “Tiềm năng kinh tế-thương mại Việt Nam-Ai Cập”, thu hút sự tham dự của nhiều đại diện các doanh nghiệp thành phố biển Alexandria cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, tư vấn của Ai Cập.

Đây là hoạt động nhằm khơi thông tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp hai nước đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập.

Trao đổi với phóng viên TTXVN nhân sự kiện này, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công cho biết tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế của Việt Nam với thành phố Alexandria nói riêng và Ai Cập nói chung là rất lớn.

Alexandria là thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, có nhiều triển vọng hợp tác về cảng biển, vận chuyển hàng hóa, nuôi trồng thủy sản, logistics…

Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập ảnh 2Đại sứ Trần Thành Công hội đàm với Thống đốc Alexandria, ông Mohammed Taher El-Sherif về thúc đẩy hợp tác song phương. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Cuộc hội thảo lần này là dịp thuận lợi để gặp gỡ, trao đổi giữa cộng đồng doanh nghiệp tại đây, nhất là các doanh nhân làm ăn với Việt Nam trong các lĩnh vực như thiết bị điện tử, thủy hải sản, may mặc và viễn thông. Đây cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có thể đến với Ai Cập và đem lại kết quả tích cực.

Cũng theo Đại sứ Trần Thành Công, trong thời điểm đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn thế giới, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là rất cần thiết.

Đại sứ quán đã tìm kiếm phương thức mới để kết nối các doanh nghiệp hai nước thông qua các cuộc trao đổi trực tuyến nhằm hiểu rõ những khó khăn thực tế mà hai bên đang gặp phải để cùng nhau tháo gỡ, đem lại hiệu quả hợp tác thực chất.

Đại sứ Trần Thành Công cho biết, hiện nay Ai Cập đang có chính sách chuyển dịch sang châu Á và những mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng Ai Cập.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp quan tâm đến rất nhiều mặt hàng như nông sản (hạt điều, hạt tiêu, cà phê) và các mặt hàng công nghiệp (hàng điện tử, thiết bị máy tính).

Do Alexandria là thành phố cảng nổi tiếng nên các doanh nghiệp tại đây rất mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, logistics…

[Xây đắp nhịp cầu văn hóa kết nối Việt Nam và Ai Cập]

Họ tìm kiếm các cơ hội hợp tác thông qua cầu nối là Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập. Cũng vì thế, tại hội thảo, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam đã trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến các chính sách, ưu đãi của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Ai Cập.

Bí thư thứ nhất, Trưởng bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng đã có bài thuyết trình về lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước, cũng như cung cấp thêm thông tin và giải đáp nhiều câu hỏi mà các đại diện doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Alexandria, ông Ahmed Hassan cho rằng hai nước có một số lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác như logistics, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, dệt may.

Theo ông Hassan, trong những năm qua, Ai Cập đã phát triển hạ tầng quy mô lớn, trong đó có Khu kinh tế kênh đào Suez (SCZ), nhằm phục vụ cho các thỏa thuận hợp tác thương mại và sản xuất trong tương lai.

Không chỉ hợp tác song phương, Ai Cập và Việt Nam cũng có thể chuyển đổi sang mô hình hợp tác ba bên, sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam để sản xuất các sản phẩm tại SCZ, rồi từ đó xuất khẩu sang nước thứ ba vốn có hiệp thương mại tự do với Ai Cập.

Ông Hassan cho biết chất lượng bông của Ai Cập đứng đầu và nổi tiếng thế giới. Các doanh nghiệp Ai Cập muốn tăng cường xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Việt Nam, bên cạnh các mặt hàng nông sản khác như hoa quả tươi.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ai Cập các phần mềm, phần cứng thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, điện thoại di động và linh kiện điện thoại di động.

Trao đổi tại hội thảo, Tiến sỹ Maha Mohamed Malek thuộc Hiệp hội doanh nhân và phát triển kinh tế cho biết ông đến hội thảo để tìm hiểu những sản phẩm mà Việt Nam có thể cung cấp cho thị trường Ai Cập và đánh giá triển vọng hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại thành phố Alexandria, Đại sứ Trần Thành Công cùng đoàn công tác đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo thành phố.

Tại cuộc gặp Thống đốc Alexandria Mohammed Taher El-Sherif, hai bên ghi nhận rằng hợp tác thương mại hiện chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Tình hình dịch COVID-19 càng làm ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi thương mại song phương và trao đổi các đoàn doanh nghiệp hai nước.

Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập ảnh 3Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hai bên bày tỏ mong muốn sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực thông qua việc mở đường bay thẳng Việt Nam-Ai Cập, kết nghĩa giữa thành phố Alexandria với một địa phương của Việt Nam và tăng cường hợp tác cảng biển, trao đổi vận chuyển đường biển giữa Alexandria và Việt Nam để đưa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tới Ai Cập cũng như từ Ai Cập tới các nước trong khu vực.

Hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường nhiều hoạt động, tổ chức các diễn đàn, hội thảo giới thiệu quảng bá tại Alexandria nói riêng và Ai Cập nói chung nhằm cung cấp thông tin về doanh nghiệp hai nước; kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam tới Ai Cập và thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt với Alexandria.

Ngoài ra, đoàn công tác cũng có cuộc làm việc với Phòng Thương mại Alexandria. Tại đây, hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19.

Hai bên thống nhất sẽ tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến về xúc tiến thương mại, tăng cường các đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh khi điều kiện cho phép, đồng thời cung cấp thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước./.

Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập ảnh 4Việt Nam và Ai Cập thường xuyên tổ chức giao lưu về văn hóa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.