Khởi nghiệp thành công với mô hình tạo 'sông trong ao'

Công nghệ nuôi cá "sông trong ao" đã giải quyết được khó khăn của người dân là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt cá được nuôi thả liên tục chứ không cần chờ xử lý ao nước.
Anh Lê Văn Việt, chủ hợp tác xã sản xuất và thương mại Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, Hải Dương) kiểm tra máy cho cá ăn tự động. (Ảnh: Thanh Nga/TTXVN)
Anh Lê Văn Việt, chủ hợp tác xã sản xuất và thương mại Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, Hải Dương) kiểm tra máy cho cá ăn tự động. (Ảnh: Thanh Nga/TTXVN)

Bằng quyết tâm và đam mê với ngành thủy sản, anh Lê Văn Việt (37 tuổi) ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để mang kiến thức, công nghệ về làm giàu trên chính quê hương mình.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ bé, anh Lê Văn Việt đã sớm làm quen với công việc đồng ruộng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học thủy sản Nha Trang, chuyên ngành kỹ sư thủy sản, anh trở thành kỹ sư chế biến tại Công ty cổ phần Nam Việt (NAVICO), một trong những công ty thủy sản lớn của Việt Nam.

Anh cũng là một trong số ít cán bộ trụ cột của công ty, quản lý hàng nghìn công nhân, với mức lương hơn 1.000 USD/tháng.

Nhận thấy Hải Dương có thổ nhưỡng phù hợp để phát triển thủy sản, do đó, năm 2010, anh Việt quyết định trở về quê hương để lập nghiệp dù bị gia đình phản đối.

Trăn trở vì nhận thấy người dân địa phương thường có thói quen canh tác manh mún, kém hiệu quả, nông dân bỏ đất, ao đi làm thuê nơi khác, năm 2011, anh Việt đã kêu gọi các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành lập hợp tác xã sản xuất và thương mại Xuyên Việt. Ban đầu hợp tác xã có diện tích hơn 10ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt và 8 thành viên.

Năm 2016, anh Việt được tiếp cận mô hình nuôi cá “sông trong ao.” Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, anh Việt cùng hợp tác xã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng 5 bể theo mô hình tạo “sông trong ao” để nuôi cá, với diện tích 2,5 ha.

Khởi nghiệp thành công với mô hình tạo 'sông trong ao' ảnh 1Mật độ cá thả nuôi theo mô hình sông trong ao khoảng 350 con/m2 tùy loại (mật độ cá nuôi trong ao thông thường chỉ từ 1-2 con/m2). (Ảnh: Thanh Nga/TTXVN)

Trong quá trình nuôi đã cho thấy những điểm mạnh của mô hình như: cá sinh trưởng đồng đều, năng suất cao, sản lượng gấp 5-7 lần so với phương thức nuôi truyền thống, kiểm soát được chất lượng cá, giảm tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, giảm dịch bệnh.

Chỉ sau 6 tháng nuôi theo mô hình này đã cho thu hoạch gần 60 tấn cá, thu lợi 450 triệu đồng. Đây cũng là mô hình đầu tiên và duy nhất tại địa phương hiện nay.

Theo anh Việt, để thiết kế được “sông trong ao” thì mật độ cá thả nuôi khoảng 350 con/m2 tùy loại (mật độ cá nuôi trong ao thông thường chỉ từ 1-2 con/m2).

Cá nuôi trong ao nhưng chất lượng thịt dai và thơm ngon như cá nuôi ở sông tự nhiên do cá luôn được vận động.

“Bể theo tiêu chuẩn sẽ được lắp đặt 1 máy sục khí công suất lớn tạo dòng chảy liên tục trong bể để thay đổi nguồn nước và một máy cho cá ăn tự động nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho cá. Tổng chi phí đầu tư khoảng 460 triệu đồng/bể,” anh Việt chia sẻ.

Công nghệ nuôi cá "sông trong ao" đã giải quyết được khó khăn của người dân là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước.

Đặc biệt cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên chứ không cần chờ xử lý ao nuôi giúp người nuôi khai thác tối đa diện tích ao nuôi.

Hiện cá rô phi nuôi theo mô hình "sông trong ao" đang ở mức 35.000/kg, cho thu nhập bình quân hàng năm từ 2 tỷ đồng/ bể/ năm.

Hiện nay, Hợp tác xã Xuyên Việt có 28 thành viên, hơn 130ha ao nuôi trên toàn miền Bắc, trong đó 25 ha là diện tích ao nuôi mô hình “sông trong ao.”

Mỗi năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường trên 5.000 tấn cá thương phẩm, trong đó 3.500 tấn cá rô phi, chủ yếu bán vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể của các công ty.

Năm 2018, doanh thu hợp tác xã lên tới hơn 16 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương, với thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc Nguyễn Văn Chuyển cho biết, đây là mô hình mới ở Gia Lộc cũng là mô hình đi đầu của tỉnh áp dụng công nghệ “sông trong ao”. Hợp tác xã đã tạo việc làm cho người lao động địa phương, góp phần phát triển sản xuất, kinh tế huyện Gia Lộc nói riêng và Hải Dương nói chung.

Không dừng lại ở đó, năm 2018, anh Việt và các thành viên của Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư 10 tỷ đồng để triển khai dự án nhà máy chế biến chả cá, đồ hộp cá, nước mắm, chế biến cấp đông 50 tấn nguyên liệu cá tiêu chuẩn mỗi ngày.

Việc xây dựng nhà máy chế biến sẽ giúp hỗ trợ đầu ra cho người dân và tạo nên chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ bền vững.

Bỏ việc nghìn đô để trở về và làm giàu trên chính mảnh đất của mình, anh Việt còn tích cực truyền lửa cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Anh Việt cũng là tấm gương tiêu biểu được nhận Bằng khen “Vì sự phát triển bền vững nông nghiệp khu vực Đông Nam Á” do Chủ tịch ASEAN trao tặng tại Myanmar năm 2019 và Giải thưởng Sao Đỏ cao quý cho doanh nhân trẻ tiêu biểu  toàn quốc năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.