Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đến nay, các đơn vị thi công đã thực hiện nạo vét luồng Soài Rạp đạt hơn 95% khối lượng và chuẩn bị đón tàu có tải trọng 50.000 tấn đầu tiên vào cảng SPCT - Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) vào ngày 19/4.
Phát huy công năng các cảng phụ
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước. Hàng năm, lượng hàng hóa lưu thông qua các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 5 triệu container hàng hóa, chiếm 70% tổng lượng hàng hóa container các cảng cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh có lịch sử 300 năm phát triển kinh tế gắn liền với cảng biển. Từ trước đến nay, việc giao thương kinh tế qua cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh thông qua luồng lòng tàu, đặc điểm luồng lòng tàu nhỏ, hẹp thì không thể đón được các tàu có trọng tải lớn vào được khu vực cảng của Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển như hiện nay, vấn nạn kẹt xe đang là vấn đề nhức nhối với lãnh đạo Thành phố. Do vậy, việc di dời hệ thống cảng trong các khu vực nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh ra ngoài khu vực Nhà Bè-Hiệp Phước là một vấn đề cấp bách.
Khi di dời hệ thống cảng biển trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh ra khu vực Nhà Bè-Hiệp Phước thì vấn đề đặt ra là luồng Soài Rạp phải được nạo vét để phục vụ cho việc thông thương của các cảng này.
Giai đoạn hiện tại, Thành phố đang nạo vét đến độ sâu âm 9,5m để có thể đón được tàu 50.000 tấn giảm tải vào, và trong tương lai tiếp tục sẽ nạo vét đến dộ sâu âm 12m để có thể đón được tàu có tải trọng 70.000 tấn giảm tải vào.
Theo ông Minh, khi kinh tế thành phố phát triển thì luồng Soài Rạp vẫn còn đủ cơ hội để có thể đào sâu hơn nữa để đón tàu có tải trọng lớn vào khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, việc nạo vét luồng Soài Rạp không chỉ phát triển cho vùng Hiệp Phước-Nhà Bè của Thành phố mà còn là điều kiện để phát triển cho các hệ thống cảng trên sông Soài Rạp, trong đó bao gồm cả Long An và Tiền Giang và tạo được động lực phát triển cho cả vùng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Vì vậy, vai trò của luồng Soài Rạp rất quan trọng.
Phối hợp giải quyết khó khăn
Hiện nay, tiến độ thi công của nhà thầu Bỉ thực hiện đạt tiến độ rất tốt do điều kiện, máy móc, thiết bị, phương tiện thi công của phía nhà thầu của Bỉ (công ty DI) rất hiện đại, công tác tổ chức thi công tốt.
“Khó khăn hiện nay của dự án này là liên quan đến địa chất lòng sông Soài Rạp. Hiện nay vị trí luồng Soài Rạp đi ngang qua sông Vàm Cỏ thì rơi vào vùng đất sét cứng ở dưới. Do vậy, nhà thầu buộc phải sử dụng các thiết bị hiện đại và các thiết bị rời để sử dụng giống như cái bừa. Họ phải làm để cho cái phần đất sét tơi ra sau đó họ mới hút nên cũng ảnh hưởng một phần đến tiến độ thi công của dự án,” ông Minh giải thích thêm.
Bên cạnh đó, trong dự án này, Công ty Dredging International (nhà thấu chính) sử dụng tàu hút bùn tự hành Uilenspiegel (Vương quốc Bỉ), công suất 13.000m3, hoạt động 3 ca/ngày (24/24 giờ), đảm nhận phần lớn khối lượng công việc trên luồng.
Phần còn lại, luồng sông từ ở vị trí km số 0 ngay cảng SPCT cho tới cửa sông Vàm Cỏ thì được giao cho nhà thầu phụ Khánh Giang, Việt Nam.
Nhà thầu phụ đảm trách công việc từ phao số 0 tức là ngay cảng SPCT cho đến cửa sông Vàm Cỏ là vị trí km thứ 20, công tác thi công của nhà thầu phụ thì sử dụng các thiết bị xà lan và các cẩu của Việt Nam.
Ông Bùi Tấn Phương-Chỉ huy trưởng Dự án phía nhà thầu phụ công ty Khánh Giang, chia sẻ để thực hiện nạo vét sét cứng này, nhà thầu phụ Khánh Giang phải tăng cường các loại gầu chuyên dùng tải trọng 5-7 tấn để có thể thả xuống và có thể móc được lớp đất sét cứng này.
Ông Bruno Dergande, Giám đốc dự án công ty Dredging International Vương quốc Bỉ, trong suốt quá trình thực hiện dự án này, nhà thầu phụ cũng phối hợp rất ăn ý và sự hỗ trợ, kết hợp tích cực từ phía chủ đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, cảng vụ hàng hải, tạo điều kiện tốt nhất trong việc thực hiện thi công một cách thuận lợi dự án này.
Ông Lê Hoàng Minh cho biết thêm, trong giai đoạn hai, dự án được chia làm hai đợt. Đợt một là nạo vét đến âm 9,5m để có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn. Đợt hai sẽ nạo vét tiếp đến âm 12m để có thể tiếp nhận tàu 70.000 tấn.
Dự án có tổng chiều dài 54km, từ Khu công nghiệp Hiệp Phước ra cửa biển Cần Giờ, quy mô nạo vét khoảng 11,5 triệu m3 bùn, cát. Tàu hút bùn tự hành Uilenspiegel (Vương quốc Bỉ) sẽ đảm nhận nạo vét 30km tính từ cửa biển vào và 24km còn lại nằm sâu trong đất liền sẽ do nhà thầu phụ Khánh Giang của Việt Nam đảm trách.
Kinh phí đầu tư dự án là khoảng 2.797 tỷ đồng; trong đó vốn tài trợ từ Vương quốc Bỉ là 76 triệu euro và vốn đối ứng của phía Việt Nam là 624 tỷ đồng.
Sau ngày 19/4, việc nạo vét sẽ tiếp tục được triển khai và dự kiến hoàn thành toàn bộ khối lượng trong tháng Năm, nghiệm thu bàn giao trong tháng Sáu./.