Khơi thông và giải phóng mọi nguồn năng lượng để Việt Nam bứt phá

Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều cần chỉ rõ đâu là những điểm cần phải tiếp tục khơi thông đối với phát triển trong các chiến lược, chính sách Việt Nam đang triển khai hiện nay, đâu là “điểm nghẽn”
Khơi thông và giải phóng mọi nguồn năng lượng để Việt Nam bứt phá ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Tọa đàm. (Ảnh: Trúc Hà/TTXVN phát)

Ngày 26/2, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Tọa đàm khởi động xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và có bài phát biểu gợi mở nhiều vấn đề quan trọng.

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Chương trình đánh giá đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước.

"Một con hổ ở châu Á”

Trong lời khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế hướng tới khởi động Báo cáo đánh giá quan trọng này.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường phát triển.

Bên cạnh hoàn tất thực hiện cam kết Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam đang thực hiện cam kết của 12 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đến 2020, Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế sôi động với 55 đối tác, trong đó có nhiều nước là thành viên của G20. Việt Nam được Liên hợp quốc và thế giới đánh giá là một trong những quốc gia phát triển ấn tượng, không chỉ về y tế mà cả giáo dục.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong một thế giới đang dịch chuyển nhanh và sâu sắc, Việt Nam đứng trước những vận hội mới để phát triển nhanh, bền vững hơn, song cũng phải xử lý nhiều vấn đề mới và phức tạp về kinh tế-xã hội, môi trường, văn hóa. Đó là yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh, năng lực tự chủ và khả năng chống chịu, bảo vệ môi trường và bản sắc văn hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.

Sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi những quốc gia như Việt Nam muốn vươn lên cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương thức phát triển.Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, để có cơ sở hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 thì việc nhìn nhận, đánh giá lại quá trình thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011-2020 là rất quan trọng.

Hiện các bộ, ngành đang tích cực triển khai đánh giá Chiến lược này. Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cũng thông tin sơ bộ về kết quả đánh giá khái quát việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.Chia sẻ tầm quan trọng của Báo cáo MDCR, ông Jan Rielaender, Giám đốc Chương trình đánh giá đa chiều của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho biết, thông qua Báo cáo, Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng kinh nghiệm và những kiến thức về cải cách của các quốc gia khác, đồng thời 53 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cũng có cơ hội hiểu Việt Nam hơn, học hỏi từ thành công và thách thức Việt Nam, chia sẻ những kiến thức mà họ biết.

Quan điểm của Chương trình đánh giá đa chiều là đặt ra các ưu tiên đúng đắn và theo sát ưu tiên này.Ông Jan Rielaender nhìn nhận, ngày nay, mục tiêu quan trọng đối với phát triển, đó là sự tăng trưởng bao trùm, trong đó mọi người dân trong một quốc gia được phát triển hết tiềm năng và sống một cuộc sống xứng đáng. Cần coi các mục tiêu phát triển bền vững là một bộ các mục tiêu quan trọng và phải đạt được vào năm 2030. Mỗi quốc gia vẫn phải vạch ra con đường của riêng mình và xác định xem những mục tiêu nào là quan trọng nhất.

Khi mục tiêu được đề ra, phát triển được, đồng nghĩa với việc tìm kiếm cơ hội để hành động và cải cách sao cho mang lại tác động lớn nhất để đạt được mục tiêu. Điều này đòi hỏi phân tích những giới hạn lớn nhất và giải quyết giới hạn ấy một cách phù hợp.

[Tích cực phối hợp OECD xác định tầm nhìn dài hạn cho Việt Nam]

Nhìn về bước phát triển của Việt Nam từ năm 1986 đến nay, ông cho biết, nhiều nước muốn học tập Việt Nam. “Nhiều thành viên ở Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế biết rằng Việt Nam có những thành tích vượt trội hơn hầu hết các nước về PISA (cách đo lường chất lượng giáo dục căn bản của một quốc gia) của chúng tôi. Chúng tôi rất muốn tìm hiểu xem làm sao các bạn làm được điều đó,” ông Jan Rielaender nói.

Đưa ra một góc nhìn từ bên ngoài về quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, Việt Nam là nước có bước phát triển đáng khích lệ nhất trên thế giới kể từ khi đổi mới diễn ra đến nay, không ngừng đi lên và tăng trưởng, chuyển mình, thay đổi cơ cấu và cất cánh.

Trên cơ sở đưa ra con số so sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc, ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam từ nền kinh tế còn nghèo đã bước đến giai đoạn phát triển bùng nổ của “một con hổ ở châu Á.”

Tuy nhiên, dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng là vấn đề còn phải bàn. Việt Nam có cơ sở đặt nền tảng tham vọng cao hơn trong tương lai, dựa trên báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì có thể là nước phát triển trung bình và thu nhập cao đến năm 2035.

Vị Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lưu ý “không thể coi thành công là hiển nhiên, không thể nhìn nhận tăng trưởng này là bền vững, Việt Nam phải phát triển nhanh chóng nhưng vẫn phải bền vững, hay tập trung vào chiều sâu và chất lượng tăng trưởng, gia tăng khả năng chống chịu, va đập của nền kinh tế trước bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới biến động.” Ông cũng cho rằng, tỷ lệ GDP cao năm 2018 mang tín hiệu tốt cho Việt Nam về tăng trưởng, nhưng nó không làm mờ thách thức mà nước ta phải đối mặt cho việc giải quyết những tồn tại về kinh tế.

Ông Ousmane Dione đưa ra 6 nội dung chìa khóa có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trên, trong đó có việc hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân hơn nữa; xây dựng năng lực đổi mới quốc gia; tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng thể chế hiện đại.

Theo đó, cần gắn kết doanh trong nước và nước ngoài, kiến tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Khơi thông và giải phóng mọi nguồn năng lượng để Việt Nam bứt phá ảnh 2Quang cảnh toạ đàm. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Cần khuyến nghị chính sách khơi thông động lực tăng trưởng mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Chính phủ Việt Nam để sớm khởi động quá trình xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam.

Đây là Báo cáo quan trọng được xây dựng với phương pháp đánh giá khách quan, độc lập, đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực về các chính sách phát triển của Việt Nam, từ đó đưa ra các tư vấn, khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam để xây dựng Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Phó Thủ tướng dẫn ra thông tin khái quát sau 30 năm đổi mới, trong đó, dữ liệu đáng chú ý là theo báo cáo của Tập đoàn McKinsey (tháng 9/2018), Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế đang nổi có thành tích phát triển “vượt trội” trong 50 năm qua.

Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới trong nhiều năm liền. Quy mô kinh tế Việt Nam (240,5 tỷ USD) hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương.

Việt Nam từng bước đã trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giầy, điện thoại di động.Một điều quan trọng là nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh ngày càng cải thiện. Việt Nam phát triển ổn định trong một thế giới nền kinh tế có nhiều bất định, khi mà nền kinh tế có độ mở lớn.

Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2018 theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới đứng vị trí 77/140 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đứng thứ 69/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đứng thứ 45/127 nước...

Ngoài phát triển kinh tế, Chính phủ luôn quan điểm nhất quán, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam sẽ không bao giờ đạt được thành công nếu không có sự đồng tình hưởng ứng và tham gia của đông đảo người dân và bản thân sự nghiệp đổi mới cũng không có ý nghĩa nếu như những thành quả của đổi mới người dân không được thụ hưởng, Phó Thủ tướng nói.

Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội khác, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các thành quả của phát triển. Trong suốt thời gian dài, thu ngân sách chỉ tăng 10-12% thì tổng chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội vẫn luôn đạt 23-25%.

Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng liên tục trong 27 năm qua với điểm số tiệm cận nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao.

Gợi mở một số vấn đề cho Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về sự phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hai cách tiếp cận: hướng đến một nước có nền công nghiệp phát triển hoặc mục tiêu hướng đến là một nước phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã chứng minh với thế giới về sự phát triển mạnh mẽ trong hơn 30 năm qua. Với ý chí, khát vọng vươn lên của cả dân tộc, với năng lượng tràn đầy và tươi mới của đất nước đang lan tỏa, Việt Nam có cơ hội và điều kiện để tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm tới.

Vấn đề đặt ra là làm sao khơi thông và giải phóng nguồn năng lượng to lớn này để Việt Nam phát triển bứt phá. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các chiến lược, chính sách sẽ triển khai trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng.

Trên cơ sở cách tiếp cận, phương pháp đa chiều, đa diện, khoa học, trung thực, khách quan, liên ngành, liên lĩnh vực, Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều cần chỉ rõ đâu là những điểm cần phải tiếp tục khơi thông đối với phát triển trong các chiến lược, chính sách Việt Nam đang triển khai hiện nay, đâu là “điểm nghẽn” và rào cản. Chia sẻ với Việt Nam những xu hướng phát triển mới đang nổi lên, những thực tiễn tốt trên thế giới về xử lý các vấn đề thực tiễn nảy sinh trong một thế thế giới đang biến đổi nhanh và sâu sắc hiện nay.

Báo cáo cần khuyến nghị cho Việt Nam trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, có tầm nhìn 2045, nhất là các khuyến nghị chính sách xử lý các “điểm nghẽn,” rào cản về thể chế kinh tế đối với phát triển cũng như các chính sách khơi thông và giải phóng các động lực tăng trưởng mới; hỗ trợ Chính phủ xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, thể chế gắn kết các chính sách phát triển của các ngành, lĩnh vực trong một tổng thể chiến lược, đồng thời xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá việc thực hiện các chính sách theo phương pháp, tiêu chuẩn khoa học và hiện đại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.