“Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng tài chính và doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển quan trọng.”
Nội dung trên được đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn trung-dài hạn cho phát triển kinh tế-xã hội,” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.
[Ban hành các quyết định về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố]
Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có nhiệm vụ phải tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân.
Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý…, để thị trường chứng khoán thực sự trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, ngân hàng tiếp tục được củng cố, cơ cấu lại và phát triển ổn định, an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Thời gian qua, kinh tế tư nhân đã tiếp cận thuận lợi, bình đẳng hơn các nguồn vốn chính thức và các thị trường các yếu tố sản xuất.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP hơn 130%, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP (vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020) đồng thời tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP.
“Các chủ trương, quan điểm của Nghị quyết 10 từng bước được thể chế hóa. Nhiều chính sách, pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân phát triển,” đồng chí nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phản ánh về tình trạng thiếu vốn và khó khăn trong huy động, vay vốn từ thị trường tài chính, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ cơ chế, chính sách đến bản thân doanh nghiệp và các định chế tài chính, tín dụng, ngân hàng.
Trên thực tế, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều này khiến cho kinh tế tư nhân gặp nhiều vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.
Theo cấu trúc thị trường tài chính hiện nay, hệ thống ngân hàng đang là kênh cấp vốn quan trọng nhất trong nền kinh tế, trong khi thị trường vốn vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Với thực trạng trên, các đại biểu tham dự hổi thảo tập trung lớn thời lượng vào đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn vốn tín dụng trung - dài hạn, thị trường trái phiếu và các mô hình đầu tư tài chính mới, như quỹ hưu trí tự nguyện và mô hình quỹ đầu tư bất động sản./.