Hằng năm, vụ Đông Xuân ở các tỉnh khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ phải lấy nước đổ ải phục vụ cho gieo cấy. Công việc được các ngành, địa phương, nông dân coi là thường kỳ, “đến hẹn lại lên” và năm nay đã được chuẩn bị sẵn sàng rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, hiện lượng nước tại 4 hồ chứa phục vụ đổ ải đang thiếu hụt so với năm ngoái trên 1 tỷ m3, cùng với đó là tình hình thời tiết khô hạn trong nhiều tháng qua sẽ khiến nhu cầu nước tăng cao. Do vậy, việc lấy nước cho vụ Đông Xuân 2016-2017 được các ngành đánh giá là không thể chủ quan.
Trong công tác vận hành hệ thống điện, các nhà máy thủy điện như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc khai thác và sử dụng nước từ các hồ chứa này cần được tính toán chặt chẽ, hợp lý trên cơ sở hài hòa giữa cấp nước hạ du với cung cấp điện trong cả thời kỳ mùa khô.
Chính vì vậy, việc xả nước phải tuân thủ Quy trình liên hồ, đáp ứng đủ nhu cầu nước (thông qua việc duy trì mực nước sông Hồng tại Hà Nội thường xuyên từ 2,2 m trở lên) theo lịch lấy nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Lợi, Ban Kỹ thuật sản xuất (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, hiện trừ hồ Hòa Bình có mực nước tương đương năm ngoái, các hồ chứa: Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà đang thiếu hụt so với năm ngoái khoảng 1 tỷ m3 nước.
Bên cạnh đó, mực nước sông Hồng cũng thấp hơn so với năm ngoái khoảng 0,2 m, cộng với việc do không có mưa trong những tháng gần đây, thời tiết hanh khô nên các cánh đồng cũng khô hạn hơn. Do đó, năm nay việc lấy nước sẽ khó khăn hơn, tiêu hao nhiều nước hơn so với năm ngoái.
Trước tình hình dự báo là sẽ có nhiều khó khăn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức các đoàn trực tiếp kiểm tra việc cấp điện cho các trạm bơm cũng như việc chuẩn bị của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội.
Ông Nguyễn Tài Đức, Phó Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, Tổng công ty đã thông báo yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo đủ điện cho các trạm bơm trên địa bàn, đồng thời chủ động kiểm tra lưới điện cấp cho các trạm bơm, bám sát lịch của các trạm bơm để có phương án cung cấp điện, đảm bảo chất lượng điện và an toàn cho các trạm bơm trong từng giai đoạn.
Các đơn vị cũng tăng cường chế độ trực, các trang thiết bị dự phòng để xử lý nhanh các tình huống nếu xảy ra sự cố lưới điện trong thời gian lấy nước đổ ải.
“Tổng Công ty cũng đề xuất với các công ty thủy lợi rà soát hệ thống lưới điện để trong các đợt đổ ải không để xảy ra sự cố. Nếu các công ty thủy lợi có nhu cầu sự hỗ trợ về điện thì công ty điện sẵn sàng hỗ trợ” - ông Đức nói.
Ông Đức cam kết cung ứng đủ điện, chất lượng, an toàn tại các trạm bơm. Đề nghị, ngoài các trạm bơm đầu mối, các trạm bơm nội đồng trên các kênh mương có phương án cho bên điện lực để hai bên chủ động phối hợp.
Trạm Quản lý công trình Liên Mạc (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ) là trạm bơm đầu mối điều tiết cống Liên Mạc cho trên 70 km Sông Nhuệ.
Theo Trạm trưởng Nguyễn Văn Hiện, hiện công việc nạo vét, chống lấn chiếm dòng chảy đã hoàn thành, giờ chỉ chờ nước về là bơm.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Sông Tích thực hiện tưới tiêu vụ Đông Xuân 2016-2017 theo kế hoạch gần 19.600ha thuộc các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây.
Ngoài diện tích này, công ty còn tiếp nước vào Sông Tích theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo nguồn tưới cho các huyện, thị hạ lưu Sông Tích với trên 4.000ha.
Ông Nguyễn Chí Hải, Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy lợi Sông Tích cho biết đến nay việc nạo vét khơi thông các tuyến kênh, cửa khẩu bể hút các trạm bơm tưới đã được hoàn thành. Với 65 trạm bơm tưới và 10 trạm bơm tưới tiêu kết hợp, công ty đã sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị xong, đảm bảo sẵn sàng phục vụ đổ ải.
Ngoài ra, ông Nguyễn Chí Hải cho biết, tại trạm bơm dã chiến Phù Sa đã bố trí sẵn sàng 21 tổ máy với công suất 1.000 m3/giờ/máy phục vụ khi những tổ máy của trạm bơm chính Phù Sa không hoạt động được do mực nước sông Hồng xuống quá thấp.
Về phía Công ty Điện lực Sơn Tây, đơn vị cung cấp điện trong khu vực Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Sông Tích, ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc kỹ thuật công ty cho biết, nguồn điện rất yên tâm bởi lưới điện đã được cải thiện nhờ trạm E1.44 Sơn Tây 2 đã đi vào hoạt động.
Công ty hiện đã hoàn thành tất cả các phương án củng cố, nâng cấp lưới điện trên các đường dây và toàn bộ các trạm biến áp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm. Đồng thời chuẩn bị đủ khối lượng thiết bị, vật tư dự phòng cho xử lý sự cố.
“Trong thời gian đảm bảo điện phục vụ 3 đợt lấy nước, công ty sẽ bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, tuần canh hành lang tuyến lưới điện, tránh tình trạng xảy ra các sự cố”, ông Thắng cho biết.
Trước tình hình từ các hồ chứa và thời tiết, ông Hoàng Văn Lợi đề nghị các đơn vị, ngoài việc cấp điện trong 3 đợt đổ ải, giữa các đợt các đơn vị cũng phải cung cấp đủ điện để các công trình thủy lợi có thể bơm trữ nước vào nội đồng.
“Các công ty công trình thủy lợi cần sự phối hợp chặt chẽ với bên điện lực, bơm tối đa lượng nước, đưa nước vào nội đồng để làm sao khai thác hiệu quả nhất các đợt xả, tránh phát sinh thêm đợt đổ ải” ông Lợi nói.
Ông Trần Đức Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh (EVN) yêu cầu Tổng công ty Điện lực Hà Nội có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Chi cục Thủy lợi. Làm việc ngay với các đơn vị để thống nhất phương án cấp điện, đảm bảo điện trong 3 đợt lấy nước, đồng thời có những phương án dự phòng.
Trong khoảng thời gian không xả nước, từ các nhà máy thủy điện vẫn phải xả theo Quy trình liên hồ chứa với lưu lượng trung bình.
Do đó ông Trần Đức Nguyên đề nghị, các công trình thủy lợi cần tận dụng khai thác tối đa nguồn nước có thể bơm được. Lợi dụng tối đa thủy triều để lấy nước, đảm bảo tiết kiệm nguồn nước xả tốt nhất. Năm ngoái nhờ có mưa nên đã tiết kiệm được 1 đợt xả, nhưng với điều kiện năm nay chắc chắn sẽ nhiều hơn năm ngoái.
“Cứ 3-5m3 nước sản sinh ra được 1kWh. Năm ngoái tiết kiệm 700 triệu m3 nước, tương đương hàng trăm tỷ đồng. Như vậy cần sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là rất quan trọng” - ông Trần Đức Nguyên chỉ ra.
Để đảm bảo lấy nước theo đúng kế hoạch, các nhà máy thủy điện sẽ tiến hành xả trước khoảng 3 ngày (xả đệm) và ngừng trước 1 ngày so với lịch lấy nước. Để đảm bảo có đủ nước theo đúng yêu cầu, lượng nước xả bình quân từ các hồ chứa dự kiến khoảng 2.828 m3/s, với tổng lượng nước xả trong 21,75 ngày của 3 đợt xấp xỉ 5,2 tỷ m3.
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương bám sát tình hình lấy nước và diễn biến mực nước Hà Nội để kịp thời điều chỉnh lưu lượng xả phù hợp./.