Không có cơ sở để nói Việt Nam nhập khẩu điện nước ngoài

Trong phiên chất vấn chiều 17/11, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định không có cơ sở và lý do để nói Việt Nam nhập khẩu điện từ nước ngoài.
Không có cơ sở để nói Việt Nam nhập khẩu điện nước ngoài ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trong phiên chất vấn chiều 17/11 tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII, mặc dù không nằm trong các vấn đề thuộc nội dung dự kiến chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhưng câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) về vấn đề có hay không việc một số doanh nghiệp điện lớn của Nhà nước (như thủy điện Hòa Bình) hoạt động cầm chừng trong khi lại phải mua điện ngoài quốc doanh và nhập khẩu từ bên ngoài đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp.

Trước nghi vấn được đại biểu này nêu ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định không có cơ sở và lý do để nói Việt Nam nhập khẩu điện từ nước ngoài.

Bộ trưởng dẫn chứng Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện trong đó nhiều công trình lớn, đa mục tiêu như Hòa Bình công suất 1.920MW, Sơn La 2.400MW, Lai Châu 1.200MW cũng sắp đi vào hoạt động, còn cả thủy điện Tuyên Quang, Trị An, Yaly...

Một trong những mục tiêu khi xây dựng những công trình này là tận dụng lợi thế, tiềm năng thủy năng vừa để phát điện, cắt lũ mùa mưa, cấp nước cho vùng hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp... vừa đảm bảo điện sinh hoạt cho người dân.

Bởi vậy, không có lý do gì để không khai thác các công trình thủy điện lớn này theo mục tiêu đã định, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Với trường hợp Thủy điện Hòa Bình, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết từ khi xây dựng và vận hành đến nay, nhà máy có công suất 1.920KW luôn cung cấp sản lượng bình quân hàng năm từ 9-10 tỷ kWh và hầu như năm nào cũng đạt chỉ tiêu này chứ không có câu chuyện sản xuất cầm chừng.

Cùng đó, thủy điện lớn khác là Sơn La cũng đưa vào vận hành trước thời hạn 3 năm và năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế, trên dưới 10 tỷ kWh mỗi năm. Đó là còn chưa kể hệ thống các công trình thủy điện lớn, nhỏ khác nữa đã đóng góp cho sản lượng điện quốc gia.

Một lần nữa Bộ trưởng khẳng định không có cơ sở cho việc phát điện cầm chừng các công trình thủy điện lớn để đi mua điện của các dự án thủy điện ngoài quốc doanh và nhập khẩu điện từ nước ngoài.

Hiện nay, trong hệ thống vẫn phải quan tâm đến các dự án thủy điện nhỏ. Do đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các Ban, ngành liên quan chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam mua điện của các dự án thủy điện nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án này tham gia vào phát điện một cách cao nhất và giá cả ngày càng được nâng hơn.

Gần đây, Bộ Công Thương cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn để Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua điện của các dự án thủy điện nhỏ ngang bằng các dự án thủy điện khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.