Không có "cửa" cho các ứng viên bên ngoài vào ngân hàng Agribank?

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, nếu cứ cộng thêm điểm cho con em trong ngành thì con em ngoài ngành sẽ không bao giờ vào được. Đó là sự tuyển dụng khép kín.
Không có "cửa" cho các ứng viên bên ngoài vào ngân hàng Agribank? ảnh 1Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa công bố trên website của doanh nghiệp này thông tin tuyển dụng năm 2015 với nhiều tiêu chí, trong đó đáng chú ý là việc ưu tiên cho con em người nhà cán bộ ngân hàng này.

Theo đó đối tượng ưu tiên là con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm trên thang điểm 100.

Nói về vụ việc trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, đó là sự tuyển dụng khép kín, làm giảm cơ hội của các ứng viên bên ngoài khi thi vào ngân hàng này.

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, diễn ra sáng nay (26/10), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã có một số trao đổi thẳng thắn với báo chí về công tác tuyển dụng hiện nay.


- Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc ngân hàng Agribank ưu tiên con em cán bộ cộng thêm 30 điểm trên thang điểm 100?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Việc này là vi phạm quá rồi, lên tới tận 30 điểm, theo tôi nhiều khi một hay nửa điểm đã quyết định việc trúng hay trượt, giờ cộng thêm 30 điểm thì chắc chắn những người đó sẽ trúng tuyển.

Ở góc độ nữa, tôi cho rằng nếu cứ cộng thêm điểm cho con em trong ngành thì ​những trường hợp tuyển ​bên ngoài sẽ không bao giờ vào được. Đó là sự tuyển dụng khép kín.

- Vậy trên góc độ pháp lý thì có thể xác định công tác tuyển dụng tại ngân hàng Agribank đã sai phạm như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Cần hỏi Bộ Nội vụ để ​cơ quan này xác định xem việc đó đúng sai như thế nào. Tôi nghĩ rằng không có căn cứ để tuyển dụng lao động theo kiểu ưu tiên như thế.

Việc tuyển dụng theo quy định của pháp luật phải công khai, không có chế độ ưu tiên, ưu đãi ngoài những chế độ ưu tiên ưu đãi được pháp luật và nhà nước quy định. Còn các quy định của ngành thì đều không phù hợp.

- Liên quan tuyển dụng viên chức như ở Sóc Sơn dù tuyển dụng hợp đồng nhưng kết luận địa phương đúng quy trình nhưng vẫn có thông tin có tiêu cực, ông đánh giá thế nào về việc này?


Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương:
Tôi không kiểm tra trực tiếp những trường hợp như vậy, nên không thể xác định đúng sai và sai như thế nào. Nhưng theo quy định pháp luật về tuyển dụng, các cơ quan không được phép ký hợp đồng khi mà thiếu cán bộ công chức viên chức mà phải tổ chức tuyển dụng.

N​gay cả việc ký hợp đồng thì phải thực hiện theo đúng quy trình, chứ không phải ký hợp đồng đặc biệt vài năm, nhưng sau không tổ chức tuyển dụng, thì cũng hoàn toàn sai phạm, nhất là tổ chức tuyển dụng mà theo kiểu nhận trường hợp quen biết để ký hợp đồng, bởi có phải ai cũng được ký hợp đồng đâu, có thể con ông nọ cháu bà kia, đưa vào ký hợp đồng còn ​nhiều trường hợp khác lại không bao giờ được ký hợp đồng.

Hơn nữa, những trường hợp ký hợp đồng này mà đặt vấn đề ưu tiên nữa, tức là ưu tiên những người được hợp đồng thì vô hình chung đã tạo ra cơ chế tuyển dụng khép kín.


- Vậy theo ông, với trường hợp hơn 100 giáo viên đã ký hợp đồng ở Sóc Sơn nhưng theo phản ánh của báo chí giờ không có việc làm thì vụ việc trên sẽ phải xử lý như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Tôi không biết khi tuyển dụng có trao đổi hợp đồng bằng văn bản hay không? Nhưng anh là nạn nhân của tuyển dụng sai, thì anh phải chấp nhận. Kêu cũng khó, vì đây là cuộc chơi không chính thống và có thể sa thải bất cứ lúc nào.

Nhưng có thể thấy, cái sai cơ bản là ​công tác tuyển dụng, vì quy định tuyển dụng giờ dễ dàng và không có phức tạp như trước đây. ​Thậm chí đã phân cấp ở cấp thấp, ​phía trường có thể tuyển dụng chứ không nhất thiết là phải cấp tỉnh, thành phố.

Bấy lâu nay nhiều cơ quan lợi dụng việc thiếu nhân viên, ký hợp đồng nhận người nọ hoặc người kia vào và không loại trừ tiêu cực để nhận thêm người vào. Do vậy, khi tổ chức công khai, thì họ trượt và đó là bình thường. Giờ đòi hỏi ưu tiên trong thi cử thì còn gì là sự công bằng trong thi tuyển nữa.

- Đã có thông tin về việc tiêu cực trong công tác tuyển dụng như thế, vậy ở góc độ cá nhân theo ông có cần phải xem xet lại kết quả thi không?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Quy trình tuyển dụng có quy định cụ thể, dành cho nhà tuyển dụng quyền tương đối chủ động trong tuyển dụng. Cái chính là người ta có thực sự bị ảnh hưởng tiêu cực để làm sai lệch đi không?

Còn muốn tuyển dụng công khai minh bạch thì không khó, còn những quy định pháp luật là quy định về quy trình và quyền nghĩa vụ của nhà tuyển dụng, người tuyển dụng. Các cơ quan khi thực hiện tuyển dụng không được vượt quá khuôn khổ quy định của luật.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục