Ngày 28/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo khẳng định trên đài BBC của Anh rằng không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức này và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Azevedo nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn không thấy có dấu hiệu về việc Mỹ sẽ rời khỏi WTO. Dấu hiệu là con số 0."
Khi được hỏi liệu WTO có nên nghĩ đến một Kế hoạch B trong trường hợp Mỹ rút khỏi định chế này hay không, ông Azevedo nói rằng ông đã không nghe thấy bất cứ điều gì về khả năng này. Ông Azevedo nêu rõ: "Mọi mối quan hệ mà tôi có trong chính quyền Mỹ đều đảm bảo với tôi rằng (Mỹ) sẽ (tiếp tục) tham gia."
Ông Azevedo cũng cho biết "các cuộc đàm phán đang diễn ra" để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu sau khi Mỹ thông báo quyết định áp các mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại của nước này.
[Mỹ khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới]
Người đứng đầu WTO đã đưa ra nhận định trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã gọi WTO là một "thảm họa," và phàn nàn rằng Mỹ chỉ có một số ít các thẩm phán trong tổ chức này. Hồi năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump từng tuyên bố có thể rút Mỹ khỏi tổ chức này.
Các chính sách thương mại gần đây của chính quyền Mỹ đang vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên WTO. Đầu tuần qua, sáu thành viên của WTO, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp phòng vệ do Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm pin Mặt Trời nhập khẩu và máy giặt gia đình với mức thuế cao hơn.
Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ giải thích cách thức tiến hành điều tra trước khi công bố các biện pháp tự vệ kể trên. EU có cùng quan điểm với Trung Quốc và lưu ý rằng Mỹ đã không sử dụng biện pháp này từ gần 15 năm qua. EU kêu gọi Mỹ “không thực hiện bất kỳ hành động hạn chế thương mại nào khác và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp hơn nhằm hạn chế gây thiệt hại."
Các nước Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.
Hồi tháng 1 vừa qua, chính quyền Mỹ đã quyết định áp đặt mức thuế lên đến 50% đối với mặt hàng máy giặt nhập khẩu vào Mỹ trong 3 năm và 30% đối với pin Mặt Trời trong 4 năm. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng vừa công bố áp đặt mức thuế suất mới 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền Mỹ vấp phải sự phản đối của hàng loạt quốc gia vì nó có nguy cơ châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu./.