Không có người thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào tức là không có người thắng trong cuộc chiến này mà chỉ có ai là kẻ thua thiệt hơn mà thôi.
Không có người thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Hàng hóa được bày bán tại siêu thị của hãng bán lẻ Mỹ Walmart ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Nói cách khác, không có người thắng trong cuộc chiến này mà chỉ có ai là kẻ thua thiệt hơn mà thôi.

Ngày 6/7, giữa lúc đám mây đen u ám của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang ùn ùn kéo đến, Washington lại ban lệnh phong tỏa thêm một “ông lớn” trong ngành viễn thông của Trung Quốc và cũng là hãng viễn thông lớn nhất toàn cầu, đó là China Mobile.

Chính phủ Mỹ nêu rõ China Mobile là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, rất dễ bị Chính phủ Trung Quốc lợi dụng, thao túng để trở thành công cụ thu thập tin tức tình báo tại Mỹ, và chính điều này là rủi ro lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Vì vậy, Chính phủ Mỹ kiến nghị cơ quan hữu quan không chấp nhận giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ viễn thông của China Mobile tại nước này, đồng nghĩa với việc giấc mơ thâm nhập vào thị trường viễn thông của China Mobile tan thành mây khói.

Động thái này được đưa ra cùng ngày với quyết định chính thức áp đợt thuế đầu tiên các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng hai tuần tới và không loại trừ khả năng Washington sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng khác của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD.

Phản ứng trước những động thái quyết liệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này buộc phải đưa ra những biện pháp trả đũa. Trước đó, Trung Quốc đã đe dọa sẽ ra đòn trả đũa đối đẳng cả về quy mô lẫn tiến độ thực hiện. Đợt đầu cũng trị giá 34 tỷ USD, liên quan tới 545 mặt hàng, chủ yếu là đậu tương.

Xét trên các lĩnh vực mà hai bên sẽ “giao chiến," các hạng mục thuế mới mà Mỹ dành cho Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thiết bị cơ khí, dụng cụ quang học và thiết bị điện, danh sách áp thuế được chia thành 34 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn đầu và 16 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn sau, với ý đồ rõ ràng là "đánh" vào ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc.

[Khi Mỹ-Trung chính thức ‘khai hỏa’ cuộc chiến thương mại]

Trong khi đó, biện pháp trả đũa của Trung Quốc cũng chia làm hai giai đoạn với mức áp thuế tương tự, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm và than đá, dầu nhiên liệu, ôtô... với ý đồ tấn công các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và ôtô, vốn là “kho phiếu bầu” của Donald Trump.

Đây đều là những lĩnh vực “xương sống” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đối với Trung Quốc, một khi nổ ra chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế của nước này trong ngắn hạn sẽ chịu tác động không hề nhỏ, đem lại nhiều rắc rối cho việc ổn định kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, mặc dù những tổn thất kinh tế mà cuộc chiến thương mại gây ra cho nước Mỹ có thể không lớn như Trung Quốc, nhưng việc chính quyền Trump có thể trụ vững trước những kháng nghị và các cuộc biểu tình của các ngành nghề chịu tổn thất hay sự công kích của các đảng đối lập hay không, đặc biệt là có thể giữ được phiếu bầu hay không, cũng chưa thể biết được.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Viện trưởng Học viện Kinh tế và Học viện Tài chính thuộc trường Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) Lý Hiểu cho rằng đối với Trung Quốc hiện nay, nguy cơ lớn nhất không phải là một cuộc xung đột thương mại, mà là việc một quốc gia bá quyền lớn mạnh nhất thế giới đã công khai coi Trung Quốc là đối thủ chính.

Theo chuyên gia Lý Hiểu, mục đích của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có lẽ không chỉ nhắm vào lĩnh vực thương mại, mà còn ở vấn đề kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025," nhiều khả năng là thông qua phương thức “chiến tranh thương mại” để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn, đồng thời có thể đòi Trung Quốc cởi mở hơn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.

Mặc dù vậy, xét cho cùng, “hai bên cùng thua” không phải là sự lựa chọn hợp lý đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chính thức nổ ra vào đầu tháng Bảy này, rất có khả năng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.