Ngày 18/2, các cuộc đàm phán hoà bình giữa Chính phủ Sudan và lực lượng nổi dậy đến từ Nam Kordofan đã bị hoãn tới cuối tháng này do không có tiến triển trong các vấn đề trọng tâm.
Theo Trưởng ban hòa giải của Liên minh châu Phi, cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, phiên đàm phán hiện nay cần tạm ngừng để tạo điều kiện cho hai bên cân nhắc các nguyên tắc cơ bản của mình, cũng như bàn bạc ''một số đề xuất'' do ủy ban hòa giải đưa ra.
Ông Mbeki cho biết các bên sẽ được triệu tập trở lại trong vòng 10 ngày, song không cung cấp thêm thông tin.
Hòa đàm giữa Chính phủ Sudan và phe nổi dậy được tiến hành trở lại vào ngày 13/2 vừa qua tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, sau khi Liên hợp quốc yêu cầu cả hai bên lập tức tuyên bố ngừng bắn, chấm dứt các hoạt động thù địch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, hai bên đã không thể gặp mặt trực tiếp trong vòng đàm phán mới nhất, thay vào đó đã đưa ra nhiều cáo buộc lẫn nhau.
Chính phủ Sudan cam kết tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình, đồng thời yêu cầu các cuộc hòa đàm cần chú trọng cùng lúc các vấn đề an ninh, chính trị và nhân đạo.
Trong khi đó, lực lượng nổi dậy đòi hỏi vấn đề nhân đạo phải được ưu tiên giải quyết trước, tuyên bố đàm phán bế tắc và chỉ trích Khartoum muốn tiếp tục giao tranh.
Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan miền Bắc (SPLM-N) đã giao tranh với quân đội Sudan gần ba năm qua ở khu vực Kordofan và bang Nile Xanh, trong khi một nhóm dân tộc thiểu số nổi dậy khác đã hoạt động tới 11 năm ở khu vực Darfur, miền Tây nước này.
Các lực lượng nổi dậy chỉ trích sự thờ ơ về cả kinh tế lẫn chính trị của chính quyền Khartoum do Tổng thống Omar al-Bashir đứng đầu.
Hai tuần trước khi cuộc hòa đàm với phe đối lập được khôi phục, ông Bashir đã kêu gọi tiến hành một cuộc chấn hưng chính trị và kinh tế ở Sudan, với ưu tiên hàng đầu là giữ gìn hòa bình./.