Không để thương nhân lợi dụng thiên tai để găm hàng, tăng giá

Tính đến 7 giờ sáng 8/11, bão số 12 đã làm 82 người chết, 26 người mất tích; sập đổ 1.486 ngôi nhà; tốc mái và hư hỏng hơn 119.360 ngôi nhà. Diện tích thủy sản, lúa bị ngập là hơn 9.350ha...
Không để thương nhân lợi dụng thiên tai để găm hàng, tăng giá ảnh 1 Lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cứu trợ lương thực cho người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Chiều 8/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về công tác điều hành giá từ nay tới cuối năm và bình ổn giá tại các địa phương đang bị thiệt hai do bão, lụt gây ra.


Thiệt hại nặng sau mưa bão

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tính đến 7 giờ sáng 8/11, bão số 12 đã làm 82 người chết, 26 người mất tích; sập đổ 1.486 ngôi nhà; tốc mái và hư hỏng hơn 119.360 ngôi nhà. Diện tích thủy sản, lúa bị ngập là hơn 9.350ha, trong đó nặng nhất là Khánh Hòa bị ngập 5.350ha, ba tỉnh có diện tích bị ngập trên dưới 1.000ha là Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

Bão cũng làm ngập, thiệt hại hơn 15.000ha rau, hoa màu, nhiều nhất là ở Đắk Lắk với gần 8.000ha, Thừa Thiên- Huế và Phú Yên mỗi tỉnh bị thiệt hại khoảng 1.000ha, Lâm Đồng bị thiệt hại 205ha.

Người dân các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bão số 12 cũng bị thiệt hại gần 26.000 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó riêng Khánh Hòa bị thiệt hại 24.320 lồng. Tổng thiệt hại về chăn nuôi (gia súc và gia cầm) bị chết và cuốn trôi là hơn 458 nghìn con, ước thiệt hại về kinh tế khoảng 48 tỷ đồng.

[Yêu cầu ngành ngân hàng hỗ trợ các tỉnh chịu thiệt hại do bão số 12]

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết trước khi bão vào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên thu hoạch xong lúa.

Tính chung cả nước năng suất bình quân vẫn tăng 0,2 tạ/ha, chất lượng lúa được cải thiện nhiều. Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ khoanh nợ cho chủ tàu bè để tái sản xuất. Các mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng gì sau các đợt bão, lũ vừa qua.

Còn theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay, tại tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận, giá rau xanh tăng nhẹ từ 3-8%. Bình Định nhìn chung giá cả ổn định, nước đã rút hết. Địa phương này chủ động khuyến khích doanh nghiệp đưa rau từ Tây Nguyên về nên giá rau đã giảm, dần đi vào ổn định.

Tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng ít nên không có biến động về giá cả. Tỉnh Thừa Thiên-Huế do chuẩn bị nguồn hàng tốt nên không sốt giá, lượng mua tăng 25% ở siêu thị và ở chợ truyền thống tăng 12%, chưa phải dùng nguồn dự trữ tại chỗ. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân chuẩn bị nguồn hàng để bảo đảm không thiếu hụt và tăng giá các mặt hàng lương thực.

Ổn định giá các mặt hàng thiết yếu

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mặc dù có những thiệt hại sau bão, lũ lụt nhưng cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản của cả ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn đạt chỉ tiêu. Dự báo sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được các mục tiêu mà Chính phủ dự định cho cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD. Ngoài hai mặt hàng là càphê và hồ tiêu giảm giá, phần lớn các mặt hàng khác đều tăng cả về sản lượng và giá cả.

Có khó khăn cục bộ ở một số địa phương nhưng tổng quan sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng, phục vụ tốt cho việc cung ứng cung cầu hàng hóa trong điều kiện thiên tai. Với sự đề xuất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống lụt bão, các địa phương đã cung ứng kịp thời các nguồn dự trữ quốc gia. Tuy dự trữ quốc gia không làm chức năng chính là điều tiết thị trường và ổn định thị trường nhưng trong điều kiện như vừa qua, ngành dự trữ đã vào cuộc rất kịp thời.

Không để thương nhân lợi dụng thiên tai để găm hàng, tăng giá ảnh 2 Cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Định cứu trợ 220 hộ dân ở thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đang bị cô lập 5 ngày do nước lũ. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động trong việc cập nhật theo dõi tình hình về sản xuất và chỉ đạo thu hoạch nên giảm thiểu tối đa thiệt hại. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và theo đúng kịch bản điều hành của Chính phủ. Công tác điều hành giá vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, bảo đảm dưới 4%. Tăng trưởng GDP vẫn đảm bảo hoàn thành được mục tiêu 6,7%.

“Đương nhiên chúng ta không được phép chủ quan, phải tiếp tục theo dõi sát, tháo gỡ những vướng mắc rất cụ thể, kể cả sản xuất, tiêu thụ,” Phó Thủ tướng nói.

Để ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm vào dịp cuối năm, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, đồng thời tiếp tục kiểm soát cập nhật tình hình thị trường và giá cả của các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành tăng cường phối hợp nắm bắt, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để thương nhân lợi dụng hiện tượng thiên tai để găm hàng, tăng giá. Lên án mạnh mẽ các hiện tượng phi đạo đức như bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho bà con, phát hiện được phải xử lý nghiêm.

Đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm hàng hóa vật tư, ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất, nuôi trồng tại khu vực chịu ảnh hưởng về thiên tai, thông suốt về giao thông vận tải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.