Không để xả lũ gây thiệt hại cho dân mà vẫn là "đúng quy trình"

Thảo luận về dự án Luật Thủy lợi, đại biểu Quốc hội Dương Tuấn Quân đã nêu lên vấn đề bức xúc về việc các công trình thủy lợi xả lũ gây thiệt hại cho vùng hạ lưu nhưng vẫn nói là "đúng quy trình."
Không để xả lũ gây thiệt hại cho dân mà vẫn là "đúng quy trình" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Dương Tuấn Quân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thảo luận về dự án Luật Thủy lợi, sáng 8/6, đại biểu Quốc hội Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã nêu lên vấn đề gây bức xúc trong dư luận về việc các công trình thủy lợi xả lũ gây thiệt hại cho người dân vùng hạ lưu nhưng vẫn nói là "đúng quy trình."

Đại biểu Dương Tuấn Quân nêu quan điểm dự án Luật đã quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý nhưng cần bổ sung thêm một khoản quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi phải được công bố, công khai rộng rãi để người dân, người sử dụng dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan có thể theo dõi, giám sát.

Thời gian qua không ít vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại về tài sản, mùa màng của người dân vùng hạ lưu liên quan đến quy trình xả lũ nhưng qua kiểm tra đều cho rằng, vận hành đúng quy trình dẫn đến người dân, cử tri bức xúc và nghi ngờ rằng vận hành có sai phạm trong quy trình vận hành công trình thủy lợi.

[Thủ tướng: Không thể xả lũ làm tăng ngập mà vẫn "đúng quy trình"]

Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định trên để bảo đảm quy trình vận hành công trình thủy lợi được an toàn, đạt hiệu quả cao, đồng thời giúp người nông dân biết rõ để điều tiết hoạt động cho phù hợp, tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân trong khu vực thủy lợi.

Cùng ý kiến, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) khẳng định quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn có một số công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành vì vậy tại điểm d quy định đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm quy trình vận hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là quy định mở để xử lý các trường hợp cụ thể này. Nhưng khi Luật thủy lợi có hiệu lực, quy định như thế này sẽ dễ tạo ra sự lợi dụng khe hở của pháp luật để chây ì, đùn đẩy hoặc bỏ qua trong việc thực hiện xây dựng quy trình vận hành công trình thủy lợi.

Đại biểu kiến nghị cần xem xét quy định lại điểm d khoản 2 điều này theo hướng ràng buộc trách nhiệm trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi.

Từ trách nhiệm lập, thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi, theo đại biểu Nhung, tại quy định về quản lý công trình thủy lợi, ngoài những nhiệm vụ mà điều Luật đã nêu ra, cần bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát vận hành công trình thủy lợi. Giám sát rất quan trọng đối với quy trình vận hành các công trình thủy lợi nhằm hạn chế sai phạm của các cơ quan chủ quản, tránh gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân và cả công trình thủy lợi.

Thực tế trong thời gian qua có những trường hợp các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi biết hậu quả của việc vận hành không đúng quy trình nhưng vẫn cố ý vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Lấy một số ví dụ điển hình, đại biểu cho rằng để bảo đảm các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi vận hành đúng quy trình cần giám sát chặt chẽ việc vận hành từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi.

Đại biểu Nguyễn Thị Vân (Yên Bái) nêu quan điểm: Ban soạn thảo cần quy định các chế tài đối với chủ quản lý khi công trình xảy ra sự cố vì đã có những trường hợp xảy ra sự cố do sự thiếu trách nhiệm trong thời gian qua tại một số địa phương.

Bên cạnh nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến thảo luận về đa dạng hóa các hình thức đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.

Góp ý về nội dung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, một số ý kiến cho rằng cần quy định huy động chính sách đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để toàn xã hội thực hiện. Tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng công trình thủy lợi cần nguồn vốn lớn, nhưng thu hồi vốn chậm và chịu nhiều rủi ro nên khó thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Do đó, các công trình thủy lợi lớn đảm bảo phục vụ phòng, chống thiên tai, sản xuất nông nghiệp, quốc phòng, an ninh cần vốn đầu tư lớn cần quy định đầu tư bằng ngân sách nhà nước; các công trình nhỏ, nội đồng do địa phương quản lý và tùy theo thực tế nhà nước có cơ chế chính sách từng bước huy động xã hội hóa. Song, cần có lộ trình cụ thể vì hoạt động thủy lợi còn phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, tưới tiêu, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu...

Đại biểu Dương Tuấn Quân băn khoăn về tính khả thi của quy định "người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng,'' bởi có hai tình huống có thể xảy ra.

Đại biểu phân tích khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ chuyển từ thủy lợi phí sang giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Các tổ chức, cá nhân phải trả tiền để sử dụng dịch vụ thủy lợi; ngoài ra họ phải chịu thêm phí đầu tư xây dựng công trình đấu nối với hệ thống dẫn nước chính, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Quy định như vậy sẽ tạo nên áp lực gánh nặng về kinh tế đối với người nông dân. Tình huống thứ hai là trường hợp khu đất canh tác của người nông dân nằm cách xa công trình thủy lợi, đầu mối công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phải đi qua khu đất của người khác mà họ không đồng ý xây dựng công trình thủy lợi đấu nối đi qua, sẽ khó thực hiện. Vì vậy, Ban soạn thảo nên nghiên cứu theo hướng tạo thuận lợi hơn với người nông dân.

Đồng tình với quy định trong dự án Luật: đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phải tính toán chặt chẽ các yếu tố, địa chất, địa chấn, đảm bảo an toàn cao nhất về công trình, tính mạng con người, tuy nhiên đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu rõ: Ngoài yếu tố an toàn công trình, việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi còn phải tính tới yếu tố rất quan trọng khác nữa đó là an toàn về tài sản của nhân dân, tính đến hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội để đảm bảo không lãng phí trong đầu tư xây dựng, khi nguồn lực của đất nước còn rất khó khăn.

Đại biểu đề xuất cần bổ sung và chỉnh sửa quy định này thành: "Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phải tính toán chặt chẽ các yếu tố, địa chất, địa chấn, hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội để đảm bảo an toàn cao nhất cho công trình, tính mạng con người và hiệu quả của việc đầu tư''./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục