Không khen thưởng, xét hồ sơ đấu thầu của đơn vị trốn đóng bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội VN đề nghị các địa phương không khen thưởng, vinh danh, không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công có đơn vị sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Không khen thưởng, xét hồ sơ đấu thầu của đơn vị trốn đóng bảo hiểm ảnh 1Tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố về việc đề nghị tiếp tục phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các địa phương không khen thưởng, vinh danh, không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công đối với đơn vị sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; công khai rộng rãi các đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đề xuất các địa phương xem xét, bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho người dân, nhất là số người mới thoát nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo... có hoàn cảnh khó khăn nhằm mở rộng và duy trì người tham gia.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương cần đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của từng cấp ủy các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của địa phương. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, coi việc hoàn thành chỉ tiêu này là tiêu chí để xem xét khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.

[Bảo hiểm Xã hội hướng đến hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bao phủ]

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội nhấn mạnh các doanh nghiệp cần thực hiện tốt việc chia sẻ, cung cấp thông tin về khai trình lao động; kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của các cơ quan quản lý về lao động, thuế, kế hoạch đầu tư... với cơ quan bảo hiểm xã hội; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động, nhất là đơn vị sử dụng nhiều lao động nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện, ngăn chặn gian lận, trục lợi, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Để tiếp tục phát triển đối tượng, cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu các đơn vị tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường chức năng giám sát, tuyên truyền vận động thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

Hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh cần được nâng cao chất lượng, cải cách hành chính trong khâu đón tiếp bệnh nhân, đẩy mạnh việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp, sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) thay cho thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện đúng quy trình, quy định việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng thành viên trong việc chỉ đạo, triển khai các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…/.

Tính đến hết ngày 31/7/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lần lượt đạt khoảng 36,8%, 30,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92,3% dân số.

Mục tiêu đến năm 2025, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lần lượt đạt khoảng 45%, 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục