"Không tôn trọng quy luật thị trường thì giá nông sản sẽ giảm"

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, nếu cung vượt cầu thì chắc chắn giá sẽ giảm, do vậy để giải quyết bài toán dư thừa trong nông nghiệp, phải tính lại từ khâu quy hoạch và đi vào chuyên canh.
"Không tôn trọng quy luật thị trường thì giá nông sản sẽ giảm" ảnh 1Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đang trao đổi với báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, nếu cung vượt cầu thì chắc chắn giá sẽ giảm, do vậy để giải quyết bài toán dư thừa trong nông nghiệp, phải tính lại khâu quy hoạch và đi vào chuyên canh.

Trước phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát diễn ra vào hôm nay 11/6, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã có chia sẻ với báo chí về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Nhìn lại câu chuyện ách tắc hàng nông sản thời gian qua cũng như các giải pháp của các bộ ngành, vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Vấn đề nông sản và tiêu thụ nông sản của chúng ta không phải là chủ đề mới mà đã được đặt ra rất nhiều năm rồi. Dưới góc nhìn của tôi, nguyên nhân của vấn đề này trước hết là do tổ chức Đảng và Chính quyền địa phương tại nơi đó đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc không hoàn thành nhiệm vụ ở đây bởi lẽ chúng ta đã có chủ trương, nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy để hướng dẫn người nông dân những phương thức sản xuất mới trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông thôn.

Chúng ta cũng phải thấy rằng, luật Hợp tác xã có từ năm 2003 nhưng tác động của nó tới nông dân rất chậm, chỉ 2 năm nay cả nước mới sôi động đi vào xây dựng nông thôn mới, nhưng chúng ta quên một điều là xuất phát điểm đầu tiên vẫn là Phong trào vận động xây dựng nông thôn mới.

Ở đây tôi phải nhấn mạnh đến 4 từ đầu tiên là "Phong trào vận động" và các tiêu chí đấy không phải đặt ra là trong vòng 2-3 năm sẽ đầu tư xong mà nó là một quá trình để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về Công nghiệp hóa, nông nghiệp nông dân và nông thôn.

Hiện nay, chúng ta quá quan tâm vào đoạn "xây dựng" hay các chỉ tiêu đầu tư như là đường bao nhiêu mét... trong khi chúng ta lại quên mất một điều quan trọng nhất đó là phương thức sản xuất công nghiệp trong nông thôn hiện nay chúng ta không đưa vào được nên chúng ta mới bị rơi vào vóng luẩn quẩn là hàng hóa sản xuất ra thì khâu tiêu thụ khó khăn, chất lượng hàng hóa cũng có vấn đề.

Qua việc xử lý "Một trái dưa, một tấm lòng" rồi rất nhiều cuộc vận động thì phải thấy rằng, thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân vẫn có khả năng tiêu thụ hết sản phẩm của bà con nhưng quan trọng là chất lượng của quả dưa đó thế nào và khâu phân phối ra sao để đảm bảo lợi nhuận của người trồng dưa tương đương trồng lúa hoặc là có thu nhập cao hơn và lợi nhuận phải chia được với người nông dân trồng dưa với doanh nghiệp đi làm khâu phân phối lưu thông.

Như vậy, khi bàn về vấn đề trên thì xuất phát điểm chúng ta là phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là khi cung vượt quá cầu thì giá phải giảm. Cho nên cứ nói mãi vào khía cạnh đó mà không tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, lúc nào cũng nhìn thấy khuyết điểm và mục tiêu của chúng ta là thấy được những khuyết điểm trong quá trình thực hiện thì việc xử lý thế nào?

- Có ý kiến cho rằng, để xảy ra việc ách tắc nông sản hay "Được mùa mất giá" là do việc xử lý và phối hợp thông tin giữa các bộ ngành địa phương chưa tốt, vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Cái quan trọng là chúng ta không tổ chức được một phương thức sản xuất công nghiệp do vậy không có kinh tế tập thể tốt.

Đơn cử nếu xuất 5.000 tấn dưa lên biên giới thì chi phí để gọi điện lên cửa khẩu cũng như nắm được tiến độ một ngày ở trên biên giới điều phối được số lượng bao nhiêu xe, khách hàng cần gì... thì để người nông dân làm sẽ mất chi phí rất lớn.

Tuy nhiên, nếu họ làm kinh tế tập thể với hàng chục người liên kết lại với nhau thì khi chia đều kinh phí cũng như việc tổ chức kênh phân phối lớn sẽ rất rẻ và hiệu quả.

- Tại sao chúng ta chưa đẩy mạnh được sự liên kiết giữa doanh nghiệp với người nông dân để tiêu thụ sản phẩm?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa quá nhanh và sau khi cổ phần hóa chúng ta không đủ sức để hình thành những doanh nghiệp lớn đại loại như Saigon CoopMart để làm khâu kết nối giữa người nông dân với thị trường cho nên chúng ta đã để cho người nông dân một mình phải bươn trải.

Theo tôi một trong những vấn đề quan trọng nhất là chúng ta không thực hiện được kinh tế tập thể, phân chia quyền lợi trong phân phối lưu thông.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất yếu trong sự liên kết ở 2 khâu đó là: Sự liên kết của nhà khoa học với người nông dân và khâu thứ hai là liên kết của người nông dân với thị trường. Trong những liên kết ấy, chúng ta không lấy người nông dân làm trung tâm mà chúng ta lại đặt vào liên kết ngang thì nó sẽ không có tác dụng.

Do vậy, nếu chúng ta không mở rộng phạm vi sáng tạo của người nông dân và hướng dẫn họ tham gia vào quá trình của chuỗi sản xuất nông nghiệp thì chúng ta thấy phần thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về phía người nông dân.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.