Không trồng xen cây cao su trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Qua theo dõi nhiều năm, những diện tích trồng rừng theo mô hình có xen cây cao su là cây phụ trợ, đa số cây trồng chính (sao, dầu) đều chậm phát triển, một số bị chết.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã thống nhất với Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Ủy ban Nhân dân huyện Tân Châu sẽ không tiếp tục áp dụng mô hình trồng rừng xen cây cao su tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Quyết định này được đưa ra sau khi xem xét, đánh giá lại mô hình trồng rừng có xen cây cao su là cây phụ trợ (mô hình DCS1) trong thời gian qua là không đạt hiệu quả, rừng trồng đã nhiều năm nhưng không thành rừng.

Đánh giá về công tác giao khoán trồng rừng theo mô hình có xen cây cao su, ông Lê Minh Thuần, Giám đốc Ban quản lý dự án khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, cho biết qua theo dõi nhiều năm, những diện tích trồng rừng theo mô hình có xen cây cao su là cây phụ trợ, đa số cây trồng chính (sao, dầu) đều chậm phát triển, một số bị chết do các hộ nhận khoán không quan tâm chăm sóc và dùng nhiều biện pháp để hạn chế sự tăng trưởng bình thường của cây rừng để cho cây cao su phát triển nhanh.

Còn ông Tạ Châu Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Châu, cho rằng chính các hộ hợp đồng nhận khoán trồng rừng đã trực tiếp tác động bằng cách khoanh vỏ, chặt cành nhánh, cày phá bộ rễ, chặt cụt ngọn làm cho cây rừng bị chết hoặc chậm phát triển để chừa khoảng trống cho cây cao su hoặc kéo dài thời gian trồng xen cây nông nghiệp (sắn) cho lợi ích riêng của mình mà không quan tâm đến cây rừng.

Từ đó cho thấy nhiều năm nhà nước tốn công sức, tiền của cho công tác trồng, chăm sóc rừng phòng hộ Dầu Tiếng, nhưng phần lớn diện tích rừng do người dân nhận khoán trồng rừng theo mô hình xen cây cao su đã hơn 10 năm nay vẫn chưa thành rừng; trong khi các hộ nhận khoán vi phạm hợp đồng, đều không bị xử lý kiên quyết, nên không ngăn chặn được tình trạng vi phạm.

Theo quy hoạch, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu, Tây Ninh) có tổng diện tích 33.050ha, có gần 6.000ha rừng trồng với hình thức khoán cho trên 1.000 hộ cá nhân trồng với nhiều mô hình, trong đó đa số theo mô hình sao-dầu-cao su không đạt hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục