Tây Ninh thu hồi gần 4.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm

Tỉnh Tây Ninh đã thu hồi trên 3.930ha trong tổng số gần 4.120ha đất nông nghiệp bị lấn chiếm trái phép.
Tây Ninh thu hồi gần 4.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ảnh 1Lắp biển báo tăng cường ý thức bảo vệ rừng. (Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)

Sau 4 năm triển khai việc giải quyết tình trạng người dân bao, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép tại các dự án rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, đến nay các huyện, thành phố tại tỉnh Tây Ninh đã thu hồi trên 3.930ha trong tổng số gần 4.120ha để trồng lại cây rừng đúng theo quy hoạch của tỉnh.

Trước năm 2009, do công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp tại Tây Ninh thiếu chặt chẽ, nhiều cá nhân, tổ chức tự ý vào rừng bao, lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng để sản xuất nông nghiệp. Một số người lợi dụng danh nghĩa nhận khoán trồng rừng để trồng cao su, điều, sắn, mãng cầu và cây hoa màu khác, gây rất nhiều khó khăn cho ngành chức năng của tỉnh trong công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Tháng 5/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định và kế hoạch giải quyết tình trạng bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Ban chỉ đạo huyện, xã có rừng được củng cố, tiến hành vận động, thuyết phục, kể cả dùng biện pháp cưỡng chế đối với những hộ cố tình chây ỳ, chống đối.

Trong tổng số gần 4.000ha đất lâm nghiệp được thu hồi, trong đó huyện Tân Châu thu hồi được 1.695ha, đạt 100% diện tích bị bao chiếm (chủ yếu là đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng); huyện Tân Biên thu hồi được 1.161ha trên tổng số 1.163 ha bị lấn chiếm (chủ yếu tại khu rừng văn hóa lịch sử Chàng Riệc và Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát); huyện Châu Thành thu hồi được 782ha, đạt 100% diện tích bị bao chiếm...

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng lại 3.876ha rừng, đạt 98,6% diện tích đã thu hồi, còn 55ha chưa trồng lại rừng do khu vực này thường xuyên bị ngập nước.

Theo ông Tạ Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh, toàn tỉnh hiện còn 221ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm thuộc diện khó xử lý đều rơi vào các trường hợp chủ hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do trước đây Ủy ban Nhân dân các huyện cấp trùng lên đất lâm nghiệp), do chủ các dự án rừng trước đây tự ý ký hợp đồng cho trồng cây cao su, cây ăn quả thời hạn từ 20-50 năm.

Các trường hợp này, tỉnh chủ trương thu hồi "giấy đỏ" và đang xin ý kiến Chính phủ cho tiếp tục thực hiện hết thời gian hợp đồng đối với cây ăn quả, rút ngắn thời hạn từ 50 năm xuống 25 năm đối với cây cao su./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục