Sau 20 năm, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đang bước sang giai đoạn phát triển mới với trọng tâm tập trung phát triển năng lực nội sinh, nhất là các lĩnh vực có tính đột phá, tác động lan tỏa cao trên cơ sở hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành.
Khu cũng tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên cơ sở khai thác các thế mạnh về chất lượng nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Lấy nghiên cứu phát triển làm trọng tâm
Hiện khu công nghệ cao đang chuyển đổi cơ sở cạnh tranh với các chương trình đột phá chiến lược là nâng cấp nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ xoay quanh các dự án FDI chiến lược.
Những năm gần đây, doanh nghiệp tại khu công nghệ cao đã tăng dần hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhiều tập đoàn lớn đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại khu công nghệ cao với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D tại Việt Nam.
[20 năm Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình thành công]
Để xây dựng năng lực nội sinh và phát triển sản phẩm chủ lực, khu công nghệ cao đã hướng tới thu hút doanh nghiệp trong nước; trong đó có doanh doanh nhân Việt kiều gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các Chương trình kết nối doanh nghiệp công nghệ cao với nền tảng, hệ sinh thái nghiên cứu phát triển-đào tạo-ươm tạo, khởi nghiệp.
Mục tiêu là thu hút sự tham gia của 80-100 doanh nghiệp, với khoảng 100-120 sản phẩm được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025.
Là một đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Trung tâm Nghiên cứu triển khai (R&D) đã tạo dấu ấn với các công trình nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực nghiên cứu và thương mại hóa thành công nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu công nghệ cao.
Trung tâm hiện đảm nhận 5 phòng thí nghiệm: công nghệ nano; công nghệ bán dẫn; ứng dụng công nghệ thông tin; cơ khí chính xác - tự động hoá; công nghệ sinh học.
Thời gian quan, Trung tâm R&D đã thực hiện đăng ký 45 bản quyền sở hữu trí tuệ, được cấp giấy chứng nhận 12 đơn và sáng chế.
Cùng đó, Trung tâm R&D đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển, đó là thương mại hóa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm, đưa nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống xã hội.
Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D, cho biết Trung tâm đã điều phối, phát triển các sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu của Trung tâm cũng như các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao.
Một trong những vấn đề lớn chương trình hướng tới là hỗ trợ cho các nhà khoa học, doanh nghiệp nâng cao giá trị nội sinh của sản phẩm để có thể vươn ra thị trường nước ngoài.
Đến nay, Trung tâm R&D đã kết hợp với các viện, trường và doanh nghiệp thương mại hóa 24 sản phẩm từ nghiên cứu công nghệ cao. Nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, có doanh thu tương đối cao như: Nacur Vital; FRED 200V; Serum trị mụn Acnegen ứng dụng công nghệ nano vàng dạng lưỡng tháp; “Viên uống chống nắng Bio Suncare” ứng dụng công nghệ nano lycopen…
Trong khi đó, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao là đơn vị chuyên ươm tạo các startup công nghệ cao. Vườn ươm luôn tiếp cận các dự án khởi nghiệp công nghệ do người Việt Nam nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ; từ đó chọn lựa đưa vào ươm tạo mới khoảng 10 dự án/năm.
Từ kết quả ươm tạo, hiện có 56 dự án công nghệ cao đã thương mại hóa sản phẩm thành công.
Một số doanh nghiệp có kết quả thương mại hóa tốt, xây dựng được thương hiệu, chỗ đứng ở thị trường Việt Nam và quốc tế như ACIS Technology, Gremsy, VeXeRe, Mideas, Cyfeer, Phenikaa MaaS…
Theo bà Phan Thị Thùy Ly, Phó giám đốc phụ trách Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, 100% các dự án tại Vườn ươm có công nghệ do chính người Việt Nam sở hữu và phát triển. Tất cả các dự án ươm tạo có đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Đến nay, 24 doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính thành công trong thu hút dự án của các tập đoàn công nghệ cao có uy tín trên thế giới vào khu công nghệ cao đã lan tỏa đến doanh nhân, doanh nghiệp trong nước quan tâm, nhận chuyển giao công nghệ, thu hút nhân lực công nghệ để hình thành dự án công nghệ cao.
Nổi bật là Tiến sỹ Hồ Nhân với Công ty Nanogen (công nghệ sinh học), Thạc sỹ Lại Nam Hải với Công ty Wakamono (công nghệ nano), Tiến sỹ Lương Việt Quốc với công ty Real-time Robotics Việt Nam (công nghệ điện tử)...
Phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện khu công nghệ cao đã hình thành được hệ sinh thái ngành mạnh làm tiền đề phát triển năng lực nội sinh; hình thành được cơ sở hạ tầng khoa học-công nghệ với các đơn vị trực thuộc là Trung tâm Nghiên cứu triển khai, Trung tâm Đào tạo, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao.
Các trung tâm, vườm ươm này thời gian qua đã phối hợp với các viện trường, chuyên gia, tổ chức quốc tế hình thành và hoàn thiện đội ngũ nghiên cứu viên, đào tạo và ươm tạo công nghệ cao, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao - thành phần không thể thiếu của năng lực nội sinh.
Cùng với đó, các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần không nhỏ cho năng lực nội sinh công nghệ cao.
Việc đào tạo nguồn nhân lực để bước vào giai đoạn phát triển năng lực nội sinh được khu công nghệ cao chuẩn bị từ khá sớm, đặc biệt trong thời gian gần đây.
Giai đoạn 2017-2022, Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao đã có nhiều hợp tác quốc tế, đặc biệt với đối tác từ Nhật Bản và Hàn Quốc để hình thành 2 mô hình đào tạo thích nghi theo tiêu chuẩn quốc tế là Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt-Nhật (VJTC) và Trung tâm Hợp tác đào tạo Việt Hàn (VKTCC).
Tính đến nay, Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao đã tổ chức trên 2.000 chương trình đào tạo đa dạng cho hơn 43.000 học viên; tiếp nhận thông tin tuyển dụng từ doanh nghiệp và giới thiệu thành công hơn 3.700 vị trí công việc cho doanh nghiệp bao gồm lao động phổ thông và lao động có tay nghề…
Từ mối quan ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực tại chỗ khi dự án mới khởi động, đến nay đội ngũ kỹ sư trong Khu đã phát triển rất tốt.
Đơn cử, Intel Việt Nam đã phát triển vượt bậc bằng năng lực đội ngũ hàng ngàn kỹ sư và chuyên viên trình độ cao người Việt Nam do chính các chuyên gia của Intel trực tiếp bồi dưỡng.
Nếu trước đây các tập đoàn công nghệ lo lắng nhất là nguồn nhân lực, thì đến nay nhân lực là điều họ khá hài lòng. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao tại Khu đã được xây dựng để làm nền tảng cho phát triển năng lực nội sinh, ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ.
Đặc biệt trong giai đoạn tới, khu công nghệ cao sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ tốt, phù hợp và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khu sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực của Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế thuộc Chương trình đột phát phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là cơ khí-tự động hóa-trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin-truyền thông.
Theo Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi, cùng với phát triển các chức năng về công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao sẽ tăng cường đầu tư hoạt động nghiên cứu-triển khai, phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao, xây dựng khu trở thành nguồn động lực công nghệ cao cho phát triển kinh tế ở phía Nam và cả nước.
Mục tiêu chính là trở thành một tiểu đô thị khoa học-công nghệ cao và là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng kinh tế tri thức ở Việt Nam.
Với nền tảng được tạo dựng qua 20 năm, Khu công nghệ cao đang tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới, lấy phát triển năng lực nội sinh làm trọng tâm.
Hệ sinh thái các ngành mạnh đã được hình thành, nguồn nhân lực công nghệ cao đã và đang được đào tạo bài bản, doanh nghiệp công nghệ cao do người Việt Nam làm chủ được hình thành… là những cơ sở để Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu này./.