Ngày 28/2, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kêu gọi đến năm 2030, các quốc gia châu Á cần đầu tư 26.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để chống đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo về "Đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng của châu Á," ADB nêu rõ chính phủ ở một số nước nghèo nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng, điện, nước và vệ sinh. Mặc cơ sở hạ tầng phát triển mạnh trong những thập kỷ gần đây, song vẫn có hơn 400 triệu người không được tiếp cận điện, 300 người không có nước sạch để sử dụng và khoảng 1,5 tỷ người thiếu thiết bị vệ sinh cơ bản.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhấn mạnh nhu cầu cơ sở hạ tầng khắp châu Á và Thái Bình Dương đang vượt xa nguồn cung hiện nay. Châu Á cần cơ sở hạ tầng mới và được nâng cấp nhằm tạo ra tiêu chuẩn chất lượng, khuyến khích tăng trưởng toàn cầu, đáp ứng với thách thức khẩn cấp toàn cầu hiện nay là biến đổi khí hậu.
Theo ADB, từ năm 2016-2030, mỗi năm khu vực này sẽ cần tới hơn 1.700 tỷ USD, gấp đôi so với con số đầu tư 881 tỷ USD hiện nay. ADB đề xuất nên đầu tư 14.700 tỷ USD vào năng lượng, 8.400 tỷ USD cho giao thông vận tải, 2.300 tỷ USD cho viễn thông, 800 tỷ USD cho nước sạch và vệ sinh. Tuy nhiên, khoảng cách lớn về cơ sở hạ tầng giữa 45 nước trong bản báo cáo vẫn sẽ tồn tại.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực đang gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị chững lại, trong khi các mối quan ngại ngày càng tăng về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu.
Mặc dù một số quốc gia trong khu vực đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD cho các chương trình xây dựng mới, trong đó có Ấn Độ, Indonesia và Philippines, song vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như nạn quan liêu và tham nhũng. Các chuyên gia kêu gọi các chính phủ nên khuyến khích nguồn vốn của khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng cơ sở.
ADB được thành lập năm 1966, với 67 quốc gia có cổ phần sở hữu, trong có 48 nước ở châu Á. Năm 2015, ADB đã thông qua các khoản cho vay và tài trợ ở mức kỷ lục hơn 16 tỷ USD cho khu vực./.