Khung trình độ quốc gia: Thước đo năng lực đào tạo khối ASEAN

Khung trình độ quốc gia: Thước đo năng lực đào tạo trong khối ASEAN

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp xây dựng dự thảo Khung trình độ quốc gia dựa trên khung tham chiếu ASEAN và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Khung trình độ quốc gia: Thước đo năng lực đào tạo trong khối ASEAN ảnh 1Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại một hội thảo quốc tế. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Năm 2016 là năm hoạt động đầu tiên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Thị trường lao động trong khu vực rộng mở và trở thành sân chơi chung. Cơ  hội nhiều nhưng thách thức cạnh tranh không nhỏ.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga về vấn đề này.

- Thưa Thứ trưởng, với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhân lực Việt Nam cần có những gì để tham gia sân chơi mới này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã mở ra cơ hội lớn cho lao động trẻ Việt Nam về cơ hội việc làm nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ sở giáo dục đại học. Để có thể tham gia thị trường lao động này trước hết người lao động phải có kiến thức và năng lực đạt chuẩn quốc tế và khu vực.

Cụ thể trong khối AEC, kiến thức và năng lực lao động qua đào tạo được thống nhất theo khung trình độ tham chiếu ASEAN. Đây có thể xem là thước đo chung để các nước trong khối có thể tuyển dụng lao động qua đào tạo.

Hiện tại, đa số các quốc gia trong khối ASEAN đã xây dựng và ban hành khung trình độ quốc gia dựa trên khung trình độ tham chiếu của khối. Các cơ sở giáo dục đại học dựa vào đó để ban hành chuẩn đầu ra tối thiểu.

Tất nhiên tùy thuộc vào uy tín và chất lượng của trường, các trường có thể công bố chuẩn đầu ra cao hơn chuẩn tối thiểu này.

Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ cũng là một yêu cầu quan trọng đối với người lao động.

Ngoài ra, khả năng thích nghi với môi trường công tác, năng lực xử lý tình huống, khả năng làm việc nhóm hiệu quả, kiến thức văn hóa của các quốc gia trong khu vực… cũng không thể thiếu đối với người lao động làm việc trong môi trường đa quốc gia.

Đây có thể nói là những điểm yếu hiện nay cần được khắc phục để sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học nước ta có thể tìm kiếm được việc làm ở các nước trong khối.

- Trước những yêu cầu đó, giáo dục đại học Việt Nam đã có những chuẩn bị gì để trang bị cho người lao động?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước chuẩn bị đổi mới từ năm 2006 với Nghị quyết số 14 của Chính phủ về đổi mới căn bản giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020.

Các bước đi cụ thể như giao quyền tự chủ cho các trường, gửi hàng nghìn giảng viên đại học ra nước ngoài đào tạo, phát triển các chương trình tiên tiến dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, chương trình chất lượng cao.

Khung trình độ quốc gia: Thước đo năng lực đào tạo trong khối ASEAN ảnh 2Sinh viên trong giờ thực hành cơ điện tử-cơ khí. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Bộ cũng xây dựng cơ chế cho các trường thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài với bằng cấp theo chuẩn các nước phát triển, tham gia kiểm định chất lượng quốc tế…

Tuy nhiên với các trường, sự hưởng ứng, triển khai các hoạt động cụ thể phụ thuộc vào sự năng động và chiến lược phát triển của từng trường.

Một số đại học đã có những bước chuẩn bị rất tốt như tăng cường năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đổi mới chương trình giảng dạy, thực hiện kiểm định chất lượng quốc tế… Nhưng nếu xét toàn hệ thống thì sự hiểu biết về AEC trong đội ngũ giáo viên và sinh viên ở nhiều trường chưa thật sự đầy đủ để có những bước chuẩn bị cần thiết cho lực lượng lao động.

Sự chậm trễ của các nhà trường trong thực hiện các chủ trương của Bộ về hội nhập khu vực và quốc tế thể hiện rõ nhất trên ba mặt: sinh viên tốt nghiệp chưa đủ năng lực ngoại ngữ; sinh viên chưa có những hiểu biết cần thiết về văn hóa, tập quán, sinh hoạt của các nước trong khu vực để có thể thích nghi với môi trường công tác; giao lưu, trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học trong khối còn hạn chế.

Trong thời gian tới, các trường cần chủ động hơn để khắc phục những hạn chế này.

[Việt Nam đứng gần chót bảng xếp hạng nhân lực châu Á]

- Cụ thể là các trường sẽ phải làm gì, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc đầu tiên là các trường phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Giáo dục Đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện hành để đổi mới căn bản các hoạt động của nhà trường.

Cụ thể, các trường đại học cần thành lập hội đồng trường để thực hiện tự chủ và đổi mới quản trị đại học. Khi cơ chế quản trị ở các trường chưa đổi mới thì khó có thể triển khai mạnh mẽ tự chủ để cạnh tranh lành mạnh nâng cao chất lượng. 

Thứ hai là xây dựng chuẩn đầu ra của sinh viên vì đây là thông số quan trọng để kiểm soát chất lượng đào tạo. Tháng 4/2015, Bộ đã ban hành Thông tư 07 quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu của các trình độ giáo dục đại theo hướng tương thích với khung trình độ tham chiếu của ASEAN. 

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp xây dựng dự thảo Khung trình độ quốc gia dựa trên khung tham chiếu ASEAN và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Khi ban hành, chúng ta sẽ chính thức có thước tương thích với ASEAN để đo năng lực của tất cả các bậc đào tạo.

Để đạt được những tiêu chuẩn đó, các trường sẽ phải điều chỉnh chương trình đào tạo, thay đổi phương pháp, trang thiết bị… cho phù hợp. Các trường cũng có thể tham khảo chương trình giảng dạy của các nước phát triển để cập nhật chương trình đào tạo; thiết kế chương trình cô đọng, logic, tăng cường kiến thức thực tiễn; nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên.

Theo yêu cầu giáo dục mới, cần phát triển nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học để phát triển năng lực tư duy sáng tạo, xử lý tình huống, thích nghi với môi trường công tác.

Thứ tư là đăng ký kiểm định chất lượng, tiến tới phân tầng xếp hạng các trường đại học là bước căn bản để đưa hệ thống giáo dục đại học nước ta vào nề nếp và hội nhập khu vực, thế giới. 

Hiện Bộ đã thành lập 4 trung tâm kiểm định chất lượng. Các trung tâm này sẽ thực hiện việc đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình, kiểm định cơ sở giáo dục đại học. Tất cả các trường phải có trách nhiệm đăng ký thực hiện kiểm định chất lượng.

Thứ năm là ổn định quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường cần tính toán lại chỉ tiêu tuyển sinh theo các tiêu chí mới qui định tại thông tư 32. 

Bên cạnh đó, các trường cần mở rộng giao lưu quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài, thực hiện công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Đó là những nhiệm vụ mà các trường cần thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới hiện nay.

-  Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục