Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Ý kiến này được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và đánh giá Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Tại hội thảo do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 9/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí cho biết Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu, toàn diện hơn với khu vực và thế giới. Bên cạnh những cơ hội được tạo ra từ hội nhập, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực cũng đang đặt ra một số vấn đề cấp bách.
Thời gian qua, mặc dù hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên dạy nghề phát triển khá tốt, chất lượng dạy nghề được nâng lên nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều trăn trở, bất cập và vướng mắc.
Theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, sau 5 năm thực hiện, Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó tuyển sinh đào tạo nghề đạt 95,5% so với mục tiêu Chiến lược đề ra, tăng 18% so với giai đoạn 2006-2010. Riêng đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng có trên 2,4 triệu lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các cấp đạt 38,5%.
Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đã có bước chuyển. Hiện có 59 tỉnh, thành phố thành lập trường cao đẳng nghề. Các cơ sở dạy nghề đã tự chủ về tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy nghề, quản lý và phát triển đội ngũ giáo viên.
Cả nước đang có 40.615 giáo viên dạy nghề và sau 5 năm (2011-2020) đã có 7.352 lượt giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thừa nhận những bất cập trong phát triển chương trình, giáo trình, xây dựng khung trình độ quốc gia, cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, kiểm định chất lượng dạy nghề, hợp tác quốc tế.
Một số mục tiêu của Chiến lược đã không đạt yêu cầu như mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cấp chứng chỉ nghề quốc gia, hướng nghiệp phân luồng học nghề sau trung học cơ sở...
Nguyên nhân dẫn đến một số mục tiêu Chiến lược không đạt là do việc chậm ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề đến năm 2020.
Ngoài ra, việc phân bố mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng chưa hợp lý, nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu cho các trường chỉ đạt 62% so với kế hoạch. Đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề, tuy số lượng tăng nhưng chỉ 60% có kỹ năng nghề đạt theo chỉ tiêu. Việc tiến hành bồi dưỡng, tổ chức đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề còn yếu, thiếu tính hệ thống, chuyên nghiệp...
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được các đại biểu đưa ra như như tập trung đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề, đặc biệt sẽ nghiên cứu cho phép thí điểm việc trường cao đẳng được liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo liên thông các trình độ.
Đồng thời, các đại biểu kiến nghị cần có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa; phát triển chương trình, giáo trình và quản lý khung trình độ quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn kết cùng doanh nghiệp trong đào tạo nghề.../.