Khuyến khích tái đàn lợn tại các doanh nghiệp chăn nuôi

Từ khoảng tháng Tám, người nuôi lợn ở Đồng Nai bắt đầu tăng đàn để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm, nhưng năm 2020, mọi thứ diễn biến trái ngược.
Khuyến khích tái đàn lợn tại các doanh nghiệp chăn nuôi ảnh 1Giá lợn giống cao khiến hộ chăn nuôi tái đàn cầm chừng. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Từ nhiều tháng qua, Đồng Nai đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi lợn tại đây vẫn rất ảm đạm, việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trang trại lớn, còn đa số người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ đã dẹp bỏ, thu hẹp chuồng trại.

Nguyên nhân của tình trạng này do người dân thiếu vốn, giá con giống tăng cao.

Từ khoảng tháng Tám, người nuôi lợn ở Đồng Nai bắt đầu tăng đàn để cung cấp cho thị trường dịp cuối năm, nhưng năm 2020, mọi thứ diễn biến trái ngược.

Khảo sát tại huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (Đồng Nai) cho thấy hàng loạt hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đã dẹp bỏ chuồng trại, một số hộ vẫn tiếp tục chăn nuôi nhưng quy mô chỉ bằng 1/3 so với trước.

Chị Nguyễn Thanh Lan (ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, chị phải bỏ trống chuồng.

Mới đây, chị đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm lại hệ thống chuồng trại khép kín và mua 50 con lợn giống về nuôi.

Chị rất muốn tái đàn với số lượng lớn, nhưng gia đình không có vốn vì giá con giống quá cao và rất hiếm (mỗi con khoảng 3,7 triệu đồng).

[Nguy cơ tái phát dịch tả châu Phi từ lợn giống không rõ nguồn gốc]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, cuối tháng 3/2020, Đồng Nai công bố hết dịch tả lợn châu Phi, từ đó các cơ sở chăn nuôi lợn bắt đầu tái đàn, những việc này đang diễn ra chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Đặc biệt, trong tháng 7/2020, có 9 huyện của Đồng Nai báo cáo không có cơ sở chăn nuôi tái đàn, chỉ duy nhất thành phố Long Khánh có 1 hộ tái đàn với 15 con lợn thịt.

Đến nay, tỉnh có gần 430 cơ sở chăn nuôi tái đàn với hơn 230.000 con lợn.

Nguyên nhân tình trạng trên do lợn giống khan hiếm và giá quá cao, người chăn nuôi thiếu vốn để nâng cấp chuồng trại và mua con giống.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, cho biết tổng đàn lợn của Đồng Nai hiện đạt gần 2,1 triệu con, tăng hơn 17 % so với  tháng 1/2020 và giảm khoảng 16% so với thời điểm tháng 4/2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi). Với tốc độ tái đàn như hiện nay, khả năng cuối năm 2020, Đồng Nai không đạt được mục tiêu đưa tổng đàn lợn lên 2,5 triệu con.

“Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất Việt Nam, việc chăn nuôi lợn của địa phương ảnh hưởng đến nguồn cung cả nước. Hiện mỗi ngày, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, Đồng Nai còn cung cấp cho các tỉnh, thành khác hơn 6.000 con lợn. Với tiến độ tái đàn như hiện nay, Tết Nguyên đán 2021 nhiều khả năng Đồng Nai không có đủ lợn cung cấp ra thị trường, nguồn cung thịt lợn sẽ khan hiếm,” ông Huỳnh Thành Vinh chia sẻ.

Cũng theo ông Huỳnh Thành Vinh, tình trạng thiếu thịt lợn trong ngắn hạn sẽ khó được giải quyết.

Để cải thiện nguồn cung, Đồng Nai đang khuyến khích các cơ sở sản xuất lợn giống phát triển đàn, nhất là đàn giống ông bà, bố mẹ để cung cấp đầy đủ con giống cho người chăn nuôi.

Tổ chức chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học; chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, liên kết trong sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp tác giữa các cơ sở chăn nuôi với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thu mua, giết mổ.

Khuyến khích việc tái đàn tại các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại quy mô lớn có điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt, kiểm soát và thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.

Kêu gọi người dân chăn nuôi dưới các hình thức hợp tác và liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết cơ sở chăn nuôi với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thu mua, giết mổ.

Đối với các hộ có chuồng trại chăn nuôi nhưng không có nhu cầu tái đàn thì khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp để hợp đồng cho thuê chăn nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.