Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức sản xuất “3 tại chỗ,” kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng qua tăng cao nên lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6%, đạt 5,5 tỷ USD.
Trong số đó, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 4%, xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng 7%, đạt 980 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ 8 tháng cũng tăng trên 10%, đạt 460 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá khác (trừ cá ngừ, cá tra) chỉ tăng nhẹ 2% và 4%.
Theo kết quả khảo sát của VASEP, từ giữa tháng 7 tới nay, chỉ có khoảng 30-40% số doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được từ 40-50% người lao động tham gia sản xuất. Do đó, công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn từ 40-50% so với trước đây.
Thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, thiếu nguyên liệu sản xuất, thủ tục xuất nhập khẩu bị chậm trễ ách tắc, khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ giao hàng và bị mất đơn hàng, khách hàng.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu của ngành thủy sản bị đứt gãy hoặc gặp khó khăn trong vận chuyển, chi phí đầu vào và chi phí vận tải đều tăng đang và sẽ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thời gian tới.
[Làm sao để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu?]
VASEP nhận định diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho lực lượng công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 này sẽ vẫn ảm đạm.
Tới thời điểm này, một số tỉnh Nam sông Hậu như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… kiểm soát dịch COVID-19 tốt và linh hoạt nên tình hình sản xuất sẽ hồi phục sớm hơn.
Đây là những tỉnh trọng điểm về sản xuất và xuất khẩu tôm, do vậy mặt hàng tôm được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế mức sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, sản xuất và chế biến cá tra lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc sông Hậu, khu vực vẫn đang gặp thách thức với sản xuất “3 tại chỗ.” Hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ khó cải thiện trong tháng tới.
Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là nơi có nhiều nhà máy và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, các loại cá biển khác.
Với tình trạng COVID-19 phức tạp như hiện nay, sản xuất và xuất khẩu tại những địa bàn này sẽ tiếp tục đình trệ trong tháng 9.
Do vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, kim ngạch đạt khoảng 660 triệu USD.
Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ,” xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được kim ngạch khoảng 8,5-8,6 tỷ USD.
Trong số đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9-4 tỷ USD, cá tra khoảng 1,5 tỷ USD, hải sản khoảng 3,1 tỷ USD./.