Kích cầu du lịch nội địa: Người dân ưu tiên an toàn hơn giảm giá

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi tư duy du lịch của người Việt. Nếu như trước đây, các chương trình giảm giá rất được quan tâm thì nay người dân lại ưu tiên an toàn dịch bệnh và an ninh điểm đến hơn.
Du khách thăm quan vườn hoa hồng lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vienam+)
Du khách thăm quan vườn hoa hồng lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vienam+)

Sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội sau COVID-19, nhu cầu du lịch nội địa đã bắt đầu hồi phục từ giữa tháng Tư. Đặc biệt, thói quen của du khách trong nước đã thay đổi với những xu hướng du lịch mới, người dân quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn và hướng đến trải nghiệm du lịch gắn với thiên nhiên chứ không phải là các chương trình giảm giá kích cầu.

Đây là một trong những kết quả cuộc khảo sát do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với Báo điện tử VnExpress thực hiện từ ngày 13-19/5.

Với 1.826 người tham gia trả lời, cuộc khảo sát cho thấy đại dịch COVID-19 đã thay đổi tư duy du lịch của người Việt. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch đã có những phân tích xung quanh vấn đề này.

[Dốc sức phục hồi du lịch, lan tỏa hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn]

An toàn được ưu tiên hơn giảm giá

- Từ kết quả của “Khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19,” có thể thấy xu hướng du lịch của khách nội địa đã thay đổi thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Nhân Chính: Với những kết quả khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy có 5 xu hướng của khách du lịch Việt Nam hiện nay.

1. Số lượng khách du lịch tìm kiếm để đi du lịch đã bắt đầu tăng lên từ giữa cuối tháng 4 trở lại đây. Khách du lịch đã có xu hướng tìm kiếm các khu nghỉ dưỡng, khám phá ẩm thực.

Tuy nhiên, trong xu hướng tìm kiếm du lịch tăng này thì vẫn thấy sự e ngại của những khách du lịch lớn tuổi (trên 65 tuổi). Khả năng đi du lịch của nhóm này vẫn còn chưa cao. Với những người trẻ tuổi hơn thì trên 50% trả lời đã sẵn sàng đi du lịch ngay trong Hè này.

2. COVID-19 đã tác động đến việc du khách lựa chọn điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh (36%) và có an ninh an toàn (32%). Ngoài ra dịch vụ du lịch có ưu đãi cũng là lựa chọn tiếp theo (gần 20%).

Kích cầu du lịch nội địa: Người dân ưu tiên an toàn hơn giảm giá ảnh 1Ông Hoàng Nhân Chính. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Như vậy, thời điểm này vấn đề an toàn được du khách ưu tiên lựa chọn chứ không còn là giá rẻ như trước nữa. Theo đó, tôi cho rằng các bên cung cấp dịch vụ nên dừng tập trung vào việc giảm giá mà cần chú trọng đến các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn dịch bệnh cho du khách…

3. Sau giãn cách xã hội thì nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%), tiếp theo là nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng trên núi và khu du lịch sinh thái.

4. Xu hướng du lịch ngắn ngày. Có thể đây là tác động thắt chặt chi tiêu sau đại dịch COVID-19 cho nên xu hướng đi 2-3 ngày nhiều hơn đi 5 ngày. E ngại dịch bệnh cùng thói quen giãn cách xã hội khiến cho 89% lựa chọn đi du lịch theo gia đình/bạn bè. Theo tôi, các sản phẩm du lịch cần phải thay đổi để thích nghi với nhu cầu mới này.

5. COVID-19 đã tác động đến thói quen mua sắm trực tuyến (ít chạm). Xu hướng này thể hiện qua việc du khách lựa chọn tự đặt tour trực tiếp (62%) và đặt phòng khách sạn/tour qua nền tảng trực tuyến (44%).

Giải pháp số này quốc tế đã có từ lâu nhưng chúng ta nhờ dịch COVID-19 mới nở rộ và dịch chuyển. Tuy nhiên, hạn chế ở Việt Nam là thanh toán trực tuyến vẫn hạn chế.

- Có thể thấy sau hậu giãn cách COVID-19, nhiều địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch đang rầm rộ tung ra chương trình kích cầu nhằm đón du khách trở lại. Ông có nhận xét gì về những hoạt động này?

Kích cầu du lịch nội địa: Người dân ưu tiên an toàn hơn giảm giá ảnh 2(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ông Hoàng Nhân Chính: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang triển khai các gói kích cầu, thúc đẩy du lịch nội địa nên có thể hiểu rằng đây là cơ hội "vàng" cho người Việt Nam đi khám phá vẻ đẹp Việt Nam. Bởi đây là thời điểm chúng ta có thể đi đến các điểm đến đặc biệt mà trước đây chúng ta chưa có khả năng đến nhờ giá rẻ.

Qua khảo sát, khách du lịch Việt Nam muốn đến một điểm đến mà họ đưa yếu tố an toàn dịch bệnh, yếu tố an ninh cao hơn là các ưu đãi. Tuy nhiên, vẫn có người mong muốn có ưu đãi về giá cả nhưng yếu tố an toàn dịch bệnh vẫn đặt lên hàng đầu.

Từ đó, chúng tôi thấy các địa phương đã bắt đầu chung tay vực dậy ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp lớn như hàng không hay doanh nghiệp du lịch tung ra các gói kích cầu, combo du lịch đã thu hút được nhiều người dân.

Tuy nhiên, các địa phương cũng nên lưu ý một điều quan trọng là làm thế nào để người dân cảm thấy an toàn khi sử dụng các dịch vụ du lịch cũng như đến các điểm đến. Nếu có sự an toàn về dịch bệnh, an toàn về an ninh thì gói kích cầu này mới thành công.

Kích cầu du lịch nội địa: Người dân ưu tiên an toàn hơn giảm giá ảnh 3Kết quả khảo sát khi được hỏi: Bạn định ưu tiên làm gì trong kỳ nghỉ?

Những bài học đắt giá từ COVID-19

- Qua đại dịch này, có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì cho ngành du lịch đang khủng hoảng trầm trọng?

Ông Hoàng Nhân Chính: Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng đều có những bài học riêng, có những bài học rất đắt giá. Riêng COVID-19 thì thấy rằng tất cả các ngành đều học được từ Chính phủ rất nhiều điều.

Thứ nhất, làm việc phải có phân tích khoa học, phân tích số liệu. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đưa ra quyết định cần phải cách ly trong vòng bao nhiêu ngày, giãn cách xã hội bao lâu, phải để các địa phương không di chuyển bệnh nhân từ nơi này qua nơi khác là đều có phân tích rất khoa học.

Từ đó với ngành du lịch, phải phân tích được hành vi của khách du lịch sau COVID-19 là như thế nào để phát triển lại thị trường, kích cầu nội địa.

Thứ 2, việc xử lý thông tin vừa rồi của Chính phủ rất tốt. Từng ngày một công bố bao nhiêu người bị nhiễm, lây nhiễm F1, F2 bao nhiêu người, truy tìm người ở trên các chuyến bay... Các thông tin đều được công khai.

Đặc biệt, khi Chính phủ đưa tin chính thức thì người dân không còn tin vào các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội nữa. Đó là ưu điểm đưa tin kịp thời của Chính phủ. Các ngành khác cũng nên như vậy, trong đó ngành du lịch cũng cần học điều này, xử lý thông tin cần kịp thời, minh bạch.

Nếu trong khủng hoảng không có những thông tin xử lý kịp thời, minh bạch như vậy thì làm dân mất lòng tin. Vừa rồi khi có dịch COVID-19, Hội đồng tư vấn du lịch tư vấn với Tổng cục du lịch thành lập ngay website vietnam.travel cập nhật toàn bộ thông tin về dịch bệnh cho du khách quốc tế.

Clip ông Hoàng Nhân Chính nói về các bài học kinh nghiệm từ COVID-19:

Khi có nhiều khách quốc tế bị kẹt lại Việt Nam thì Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất có một hotline riêng, có người nước ngoài chuyên trách trả lời tất cả thắc mắc của du khách quốc tế: Họ sẽ ở khách sạn nào, họ muốn gia hạn visa để về nước thì làm như thế nào... khiến du khách yên tâm.

Khi Việt Nam đối xử thân thiện và tôn trọng khách du lịch quốc tế thì họ sẽ quay trở lại, còn nếu chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình thì sau này họ sẽ sợ và không quay trở lại nữa. Đó là một trong những bài học.

Thứ 3, luôn lắng nghe thị trường và luôn tự thay đổi mình để thích ứng với thị trường. Vừa rồi với ngành thương mại, khi có dịch COVID thì lập tức các giao dịch chuyển qua giao dịch điện tử. Tại sao ngành du lịch lại không học được điều này? Chúng ta phải thay đổi, phải cơ cấu lại.

Đây là những bài học vừa đắt giá, vừa bổ ích mà nhờ COVID-19 đã làm Việt Nam buộc phải thay đổi tư duy, hành động ngay, trong khi trước đây lẽ ra cần phải thay đổi thì chúng ta đã mất nhiều thời gian để thuyết phục mà không thay đổi được gì. Đó cũng là những bài học nhìn theo hướng tích cực mà COVID-19 đem lại cho chúng ta.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục