Kích cầu tiêu dùng: Tạo xung lực mới cho kinh tế Thủ đô hậu COVID-19

Theo Sở Công Thương Hà Nội, các chương trình xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt được kỳ vọng sẽ kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Kích cầu tiêu dùng: Tạo xung lực mới cho kinh tế Thủ đô hậu COVID-19 ảnh 1Các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại do ngành Công Thương tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là mục tiêu cơ bản và xuyênsuốt trong Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2022, trọng tâm vào các tháng 5, 7 và 11.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc triển khai các chương trình kích cầu nội địa thời gian tới sẽ tiếp tục góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng

- Xin bà cho biết các chương trình kích cầu tiêu dùng mà Hà Nội sắp triển khai trong thời gian tới?

Bà Trần Thị Phương Lan: Thời gian gần đây, thị trường trong nước đã có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát.

Góp phần thúc đẩy sự phục hồi này, các chương trình khuyến mại tập trung có tính đột phá rõ rệt, các sự kiện khuyến mại được đổi mới, nâng cao chất lượng. Tỷ lệ khuyến mại lên tới 100% giúp người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn, qua đó tạo ra ngày hội mua sắm sôi động.

[Hà Nội: Chương trình kết nối sản xuất và tiêu dùng sản phẩm làng nghề]

Về phía các doanh nghiệp tham gia chương trình trong tháng 5, 7 và 11/2021, phần lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng về doanh thu và lượng khách từ 15% đến 30%, lượng hàng tồn kho giảm từ 30% đến 70%, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Với những kết quả đáng khích lệ đó, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2022 tiếp tục được triển khai với chuỗi các hoạt động phong phú, có sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

Chương trình có mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% tại hơn 2.000 điểm bán hàng của các doanh nghiệp.

Trong tháng 5/2022, chương trình khuyến mại tập trung được triển khai tới 1.000-1.200 điểm bán hàng của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tất cả các điểm bán hàng đều có dấu hiệu nhận biết để tạo hiệu ứng đồng bộ, thu hút người tiêu dùng.

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và chào mừng SEA Games 31, các doanh nghiệp đã đưa ra hàng chục nghìn chương trình khuyến mại, doanh thu tăng 20-35%; lượng khách tăng 30-50%, doanh thu từ thương mại điện tử tăng 30-40%.

- Vậy chương trình mang lại hiệu quả như thế nào đối với kinh tế Thủ đô, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Dịch COVID-19 tác động lớn đến thu nhập của người tiêu dùng khiến sức mua giảm đáng kể.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, Hà Nội cùng cả nước chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhờ đó nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ dần mở cửa trở lại, góp phần tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội 4 tháng đạt khoảng 1.086 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 215,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 143,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,7% tổng mức và tăng 8,8%.

Điều này cho thấy, việc triển khai các chương trình kích cầu nội địa thời gian tới sẽ tiếp tục góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Bà đánh giá thế nào về các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình khuyến mại?

Bà Trần Thị Phương Lan: Năm nay, Sở Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền ngay sau khi thành phố phê duyệt kế hoạch. Do đó, các doanh nghiệp đã hưởng ứng rất sâu rộng.

Ngay trong tháng 5/2022, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được đăng ký của hơn 10.000 chương trình khuyến mại, với trị giá gần 20.000 tỷ đồng.

Trong tháng 7 và tháng 11/2022, dự kiến có khoảng 25.000 chương trình khuyến mại. Đáng chú ý, không chỉ doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô mà doanh nghiệp trong cả nước tham gia đưa hàng hóa về Hà Nội.

Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng đồng thời phải có ý thức sản xuất hàng chất lượng cao.

Nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn

- Sau chương trình khuyến mại tập trung trong tháng 5, thành phố Hà Nội sẽ triển khai những hoạt động gì tiếp theo, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Đó là sự kiện “Hanoi sales promotion 2022” dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/7, với quy mô 1.000-1.200m2 gian hàng, của 100-120 doanh nghiệp tại Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng). Ngoài ra, có 9 sự kiện kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Trong tháng 11/2022, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi midnight sale 2022” và “Hà Nội online xuống phố” gắn với ngày Black Friday nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế đêm của thành phố...

Cũng trong tháng 11, Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 được tổ chức với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại, giảm giá lên tới 100%, cùng với đó là 17 chương trình kích cầu tiêu dùng.

Kích cầu tiêu dùng: Tạo xung lực mới cho kinh tế Thủ đô hậu COVID-19 ảnh 2Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Ngoài chương trình khuyến mại tập trung, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu bằng các hình thức khác nhau. Bà có thể cho biết thêm về hoạt động này?

Bà Trần Thị Phương Lan: Bên cạnh các sự kiện chính trong khuôn khổ chương trình khuyến mại tập trung, nhiều hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại để hưởng ứng chương trình cũng sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, thúc đẩy quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiêu biểu như: Kết nối tiêu thụ hàng hóa khu vực phía Bắc, tuần hàng Việt; phiên chợ Việt; tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; lễ hội trái cây; hội chợ an toàn thực phẩm; hội thảo kết nối tiêu dùng bền vững.

Cùng với đó, Hà Nội cũng tổ chức Hội chợ công nghiệp hỗ trợ, trưng bày các sản phẩm công nghiệp chủ lực; các triển lãm chuyên đề tại điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô…

Các sự kiện khuyến mại được đổi mới, nâng cao chất lượng, cùng các chương trình xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, được kỳ vọng sẽ kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng về doanh thu cho doanh nghiệp, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, góp phần giúp thành phố đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

- Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát nguồn gốc hàng hóa tại các sự kiện kích cầu tiêu dùng được triển khai như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm cho trên 10 triệu dân tại địa bàn Thủ đô, nhất là trong dịp lễ, Tết, Hà Nội phải kết nối các sản phẩm hàng hóa của các tỉnh, thành phố đưa về để bảo đảm cân đối cung, cầu. Do đó, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm được cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ.

Tất cả các sản phẩm qua các sở công thương tỉnh, thành phố giới thiệu, đưa về đều phải bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và các loại giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm; được kiểm soát chặt chẽ từ các nhà phân phối, tiếp nhận, cũng như Thanh tra của Sở Công Thương Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và lực lượng chức năng các địa phương.

Đối với các tuần hàng, hội chợ hàng Việt, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý, khuyến mại hấp dẫn, bán hàng bảo đảm văn minh thương mại, đúng quy định của pháp luật.

Các cơ sở tuyệt đối không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.