Ngày 2/6, Chính phủ dành trọn một ngày trong họp Phiên thường kỳ tháng Năm để đánh giá, phân tích kỹ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong tháng Năm và 5 tháng đầu năm; đồng thời thống nhất những giải pháp quan trọng tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Cuối buổi làm việc chiều 2/6, kết luận Phiên họp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc chống tư tưởng chủ quan trong kiềm chế lạm phát; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để huy động nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tín hiệu tốt từ đầu tư và doanh nghiệp
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày cho thấy, những tín hiệu khả quan của nền kinh tế nằm ở nhóm các chỉ số về tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ (tăng 4,52%).
Kết quả này có được nhờ những chỉ đạo rất kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Một chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ là tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao so với cùng kỳ cả về vốn đăng ký và thực hiện nhờ tác động tích cực của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 5,8 tỷ USD; tăng 17,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 10,6 tỷ USD; gấp gần 2,4 lần cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,1% so với cùng kỳ với tổng số khoảng 44.740 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, có 12.999 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động nay đã trở lại hoạt động. Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%); tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% (cùng kỳ tăng 4,26%). Các yếu tố kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Kinh tế vẫn còn vướng nhiều khó khăn
Bên cạnh những điểm sáng, tình hình phổ quát trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội từ báo cáo của các bộ, ngành kinh tế tổng hợp cho thấy nền kinh tế còn đang vướng phải nhiều khó khăn khi các chỉ số tăng trưởng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đều giảm, thậm chí có lĩnh vực giảm sâu do những tác động mạnh từ tình hình trong nước và thế giới. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc; lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao.
Tốc độ phục hồi kinh tế đang có xu hướng chậm lại không chỉ trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà cả trong công nghiệp chế biến-ngành được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh nhờ tác động của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới.
Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tiếp trong 4 tháng qua; riêng tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%; bình quân 5 tháng tăng 1,59%.
Lạm phát cơ bản (đã loại trừ biến động giá của nhóm lượng thực, thực phẩm, năng lượng và giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý gồm cả dịch vụ y tế, giáo dục) bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách Nhà nước so với dự toán năm đạt thấp hơn cùng kỳ trong tất cả các nguồn thu, ước đạt 396,2 ngàn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán (cùng kỳ đạt 41,8% dự toán năm). Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 466,3 ngàn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhưng còn nhiều khó khăn.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Chính phủ khẳng định những kịch bản tích cực trong phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế nhất là trong sản xuất nông sản phẩm, dịch vụ, xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh từ nửa cuối tháng 5, diễn ra mưa đều trên diện rộng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây là điều kiện thuận lợi cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Kiên định mục ổn định vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ý kiến của các thành viên Chính phủ và nhấn mạnh, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến bất thường đang ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội trong nước và là những thách thức lớn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Trong khi đó, hệ quả xấu từ thiên tai hạn hán ở miền Trung Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tác động mạnh đến sản xuất và đời sống của người dân.
Nhấn mạnh đến định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan điểm điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ là kiên định mục ổn định vĩ mô để tạo nền tảng cho phát triển bền vững; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ bám sát các chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao; từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm để tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng cũng cho rằng, tuy tăng trưởng không cao nhưng xu thế chung ở nhiều chỉ tiêu có dấu hiệu tăng dần, ví dụ tăng trưởng chế biến, chế tạo; doanh số bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng; FDI tăng trưởng mạnh…
Trong bối cảnh tháng 5, cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với rất nhiều vấn đề, nội dung được thực hiện nhưng vẫn duy trì tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
“ Chính phủ nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016,” Thủ tướng nêu rõ.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, Thủ tướng đề nghị, cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa, phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển của đất nước.
Đề cập đến các giải pháp kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ xây dựng các tốt các kịch bản, kiểm soát chặt chẽ về giá và không được chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành phải phối hợp hiệu quả trong điều hành giá cũng như trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hơn nữa các giải pháp khơi thông những tiềm năng cho tăng trưởng đi liền với đảm bảo chất lượng tăng trưởng; huy động hiệu quả các nguồn lực trong dân để phục vụ cho các mục tiêu phát triển; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính.
Nhấn mạnh tinh thần coi kinh tế tư nhân là động lực của phát triển, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành cần công bố rõ lộ trình cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ASEAN 4; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu không thực hiện tốt công tác này; thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả thực tế Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán hết phần vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2016.
Các bộ, các địa phương phải đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và vốn ODA; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. “Không thể chấp nhận tình trạng nhà đầu tư có tiền mà không giải ngân được,” Thủ tướng chỉ đạo.
Hoan nghênh động thái các ngân hàng thương mại giảm lãi suất của một số ngành hàng, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng phương án giảm lãi suất cho vay; gắn với xử lý nợ xấu bằng các công cụ thị trường để tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Nhắc lại tầm quan trọng của phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, Thủ tướng phân tích khởi nghiệp không phải dừng lại ở khẩu hiệu mà phải xây dựng, cụ thể hóa bằng thể chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ hiệu quả.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến khởi nghiệp để trình Chính phủ trong tháng Bảy tới.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị xây dựng, triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện; không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp, phát triển ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn, có sức cạnh tranh cao qua đó nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân.
“Chương trình xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng ở Việt Nam,” Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị tìm các nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng gợi ý cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể cả theo hình thức công trình và phi công trình trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn.
Lưu ý nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần thực hiện tốt công tác hỗ trợ kịp thời người dân ở các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; không để người dân bị đói, bị đứt bữa...
Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong phòng chống đuối nước ở trẻ em.
Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển nguồn nhân lực; kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội đi liền với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển con người toàn diện, nhất là về đạo đức và lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân.
Trước mắt, tăng cường chỉ đạo Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh; khắc phục những bất cập của kỳ thi trước.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gây ô nhiễm môi trường tác động đến môi trường sống của người dân; chủ động hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường, không có “vùng cấm”, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm.
Lo lắng trước tình trạng “cha chung không ai khóc,” lãng phí trong chi tiêu công, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ, rà soát các hoạt động quản lý, sử dụng công sản nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, nhất là chi cho hội họp, đi công tác nước ngoài.
Ngoài ra, quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, xử lý nghiêm việc chuyển giá, trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng như hoạt động thanh tra công vụ.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành t riển khai hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ, gây mất trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành quyết đoán, tích cực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đề cao vai trò người đứng đầu trong quản lý điều hành với tư cách tư lệnh lĩnh vực để sớm có những chuyển biến tốt trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước ./.