Vừa qua, các thông tin về việc mỳ tôm Hảo Hảo và miến ăn liền Good nhập khẩu của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Acecook) bị thu hồi tại Ireland, mỳ khô của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương (Thiên Hương) bị thu hồi tại Na Uy do liên quan đến chất ethylene oxide đã khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại về tính an toàn thực phẩm của những sản phẩm này.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là chất có nguồn gốc gây ung thư song lại không có trong các quy định kiểm soát thực phẩm của ngành y tế. Do vậy, việc kiểm tra thường xuyên và có các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm là điều hết sức cần thiết.
Mỳ tôm, mỳ khô... từ lâu đã trở thành món ăn phổ biến trong các gia đình. Tuy nhiên, sau sự việc trên, người dân có tâm lý lo ngại khi sử dụng sản phẩm này.
Anh Nguyễn Hoàng Long, thợ cắt tóc tại 140 Giảng Võ, Hà Nội, cho hay mỳ tôm là sản phẩm bình dân, giá rẻ, nhưng trước thông tin nghi vấn có chất gây ung thư, nhiều ngày qua, anh đã chuyển sang các món ăn khô khác như bánh mỳ, cháo... trong lúc chờ đợi các cơ quan quản lý đưa ra thông tin chính thức về các sản phẩm trên.
Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, ethylene oxide là chất khí có thể gây ung thư, chủ yếu qua đường hô hấp. Nếu tiếp xúc thường xuyên với ethylen oxide có thể gây kích ứng da, mắt mũi, cuống họng, phổi, gây tổn thương não và hệ thần kinh và sau cùng có thể gây ung thư cho người.
Tuy nhiên, với đường tiêu hóa, nghĩa là qua thực phẩm, việc có gây ung thư hay không vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Các đơn vị như Acecook, Thiên Hương hay các công ty thực phẩm danh tiếng có công nghệ sản xuất và quy trình kiểm soát chất lượng tốt, lịch trình sản xuất được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi những rủi ro về an toàn thực phẩm.
Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương cho hay những sản phẩm của công ty này được gia công nghiêm ngặt theo yêu cầu. Quy trình sản xuất cho tất cả sản phẩm đều tuân thủ theo tiêu chuẩn IFS, ISO 22000, HACCP và không sử dụng ethylene oxide trong bất kỳ khâu nào.
Công ty đang tiến hành kiểm tra, sàng lọc, phân tích và đánh giá trên diện rộng ở tất cả khâu nguyên liệu, thiết bị, quy trình gia công, sản xuất cũng như tiến hành kiểm chứng thông tin sản phẩm gia công tại thị trường Na Uy.
"Đơn vị sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Sau khi có đầy đủ kết quả thực hiện trên sẽ công bố với truyền thông và khách hàng," đại diện công ty Thiên Hương nói.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cũng khẳng định sản phẩm mỳ Hảo Hảo bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.
Ông Kajiwara Junichi cam kết các sản phẩm lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam cũng như an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Công ty Acecook tuyệt đối tuân thủ quy định của Việt Nam, châu Âu, Nhật Bản, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia khác về việc không sử dụng chất này trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu, sản xuất, lưu trữ.
Hiện, công ty đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng đối với nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hữu hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay chất ethylene oxide trong các sản phẩm bị thu hồi tại châu Âu vừa qua tuy không gây độc cấp tính, nguy hiểm ngay lập tức nhưng lại có thể gây hại về lâu dài cho sức khỏe. Do vậy, người tiêu dùng trong nước có tâm lý lo ngại là đúng.
[Thu hồi mỳ Hảo Hảo và miến Good: Thương vụ Việt Nam vào cuộc]
Không chỉ riêng với sản phẩm mỳ tôm, nhiều sản phẩm cũng đã được phát hiện chứa các chất cấm vượt ngưỡng quy định. Việc kiểm tra và các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm cũng đã được nâng lên, song việc cần làm là tăng cường hậu kiểm và phải làm thường xuyên, từ quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm…
“Riêng với 2 sản phẩm mỳ Hảo Hảo và mỳ khô Thiên Hương, các cơ quan chức năng cần xem xét các sản phẩm đó có lưu thông ở Việt Nam không, nếu có các chất cấm thì xử lý thế nào? Mức độ nguy hại đến sức khỏe người dân ra sao?... Tất cả các vấn đề này cần công khai minh bạch để người tiêu dùng yên tâm," ông Hùng đề nghị.
"Bản thân nhà sản xuất các sản phẩm trên cũng cần rà soát các quy trình từ nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, sản xuất, đóng gói, xuất khẩu… còn tồn tại mất an toàn thực phẩm ở khâu nào, từ đó có hướng xử lý và công bố rộng rãi tới người tiêu dùng, tránh tâm lý lo ngại của người dân như hiện nay," ông Hùng yêu cầu.
Sau khi có thông tin về việc mỳ Hảo Hảo bị thu hồi, phía Bộ Công Thương đã ngay lập tức vào cuộc, rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm và đề nghị doanh nghiệp báo cáo về quy trình sản xuất, sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với sản phẩm này.
Theo các chuyên gia, việc sớm vào cuộc của các cơ quan chức năng là điều đáng mừng, song hiện nay, theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm của Bộ Y tế, ethylene oxide lại không có trong Phụ lục kèm theo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có kiến nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung chất ethylene oxide vào Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Nhờ đó, các cơ quan chức năng sẽ có đủ hành lang pháp lý cơ sở để tiến hành kiểm tra, hậu kiểm và xử lý các vi phạm.
Cũng theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc kiểm tra các sản phẩm trên thị trường nên được làm thường xuyên, không nên để khi có vụ việc xảy ra mới vào cuộc.
Cùng với đó, các quy định của Bộ Y tế có thể rà soát các danh mục chất cấm, nếu cần thiết, đưa thêm quy định về Ethylene Oxide, hàm lượng tối đa bao nhiêu thì được phép… để từ đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thực phẩm có thể đưa vào để kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ông Vũ Thế Thành cho hay quy định về an toàn thực phẩm ở mỗi quốc gia là không giống nhau, điều này tùy vào đặc tính tiêu dùng của dân bản địa, khả năng kiểm soát… Điều quan trọng là các cơ quan chức năng có sự kiểm soát thực thi quy định về an toàn thực phẩm một cách nghiêm ngặt. Việt Nam có thể đưa các quy định về Ethylene Oxide; trong đó nêu rõ mức tối đa cho phép.
Theo Bộ Công Thương, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất tại các đơn vị, tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ đang khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm nêu trên. Trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu từ các đơn vị chuyên môn, Bộ sẽ có thông báo chính thức tới các cơ quan truyền thông báo chí, trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp./.