Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của một số thành viên Vinachem

Trong nửa đầu năm 2020, Vinachem đã lỗ gần 860 tỷ đồng; doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 18.128 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của một số thành viên Vinachem ảnh 1Bốc xếp sản phẩm urê của Nhà máy đạm Ninh Bình. (Nguồn: TTXVN)

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ (đã soát xét); trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ khiến tập đoàn lỗ ròng gần 860 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), dự án Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày, nợ ngắn hạn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đạm Ninh Bình là 9.560,1 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 1.129,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.506,3 tỷ đồng.

Công ty đã thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo phương án đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và trả nợ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020 lỗ tới 780,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu 4.192,6 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, tại thời điểm 30/6/2020, báo cáo tài chính hợp nhất của công ty phản ánh tổng số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 4.410,88 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 3.979,05 tỷ dồng, lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu 1.209,58 tỷ đồng.

"Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của công ty được trình bày dựa trên cơ sở giả định hoạt động liên tục vì Ban Tổng giám đốc Công ty tin tưởng có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của công ty," báo cáo của Vinachem nêu rõ.

Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem cũng trong tình trạng tương tự khi một số khoản vay Ngân hàng Thương mại cổ phần đã quá hạn thanh toán, với số dư nợ gốc quá hạn là 1.395,9 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng 1.506,1 tỷ đồng.

[Ba dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn ngập trong nợ nần]

Tài sản đảm bảo cho khoản vay là các hợp đồng đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay; trong đó có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP công suất 330.000 tấn/năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án.

Như vậy, trong nửa đầu năm 2020, Vinachem đã lỗ gần 860 tỷ đồng. Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 18.128 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, Vinachem thu lợi nhuận gộp 2.219,6 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Về doanh thu hoạt động tài chính, Vinachem đạt hơn 195 tỷ đồng, chỉ bằng 58% so với cùng kỳ năm 2019, song chi phí tài chính lên tới 1.121 tỷ đồng; trong đó chi phí lãi vay hơn 1.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, chi phí bán hàng ở mức 1.217 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 763 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinachem âm gần 690 tỷ đồng; lỗ trước thuế 619 tỷ đồng; lỗ sau thuế tương ứng 796 tỷ đồng.

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Theo báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng Kiểm toán AASC, đơn vị này đã đưa ra các cơ sở kết luận, ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Vinachem.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2020, một số dự án của Vinachem như dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý.

Các dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm, dự án Xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và dự án mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.

Cùng với đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem chưa xử lý xong các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

Ngoài ra, báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu.

Điều đó cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn mang tính trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc, báo cáo của kiểm toán nêu rõ.

"Chúng tôi không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về kế hoạch dòng tiền cho 12 tháng tới cũng như các bằng chứng cho thấy các đơn vị nêu trên có khả năng trả nợ cho các khoản nợ đến hạn và quá hạn hay không. Do đó, không thể xác định liệu báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2020 đang được hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Tập đoàn với giả định các đơn vị này sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không," Kiểm toán AASC cho biết.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của một số thành viên Vinachem ảnh 2Nhà máy Đạm Ninh Bình. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong báo cáo, AASC cũng nhấn mạnh tới một số khoản vay Ngân hàng của tập đoàn đã quá hạn thanh toán; trong đó số dư nợ gốc quá hạn là 1.064,2 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 608,8 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo là Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn ure/năm đã tạm bàn giao Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012, nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.