Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những ‘nút thắt’ giải ngân đầu tư công

Kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý các dự án còn những bất cập, thiếu sót; đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách Nhà nước và các pháp luật chuyên ngành. (Ảnh: Vietnam+)

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả nước để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Giải ngân chậm chạp

Tại hội thảo chuyên đề: “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán,” ngày 18/10, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết thực tiễn hoạt động kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý các dự án còn những bất cập, thiếu sót; đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn…

“Đây là những nút thắt ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công cũng như nguồn lực và động lực của sự phát triển,” Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

[Bộ Tài chính yêu cầu phân bổ hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công ]

Xác định vai trò quan trọng của đầu tư công, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức vốn là 2,87 triệu tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 chỉ đạt 69% và bằng 79,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong 9 tháng của năm 2023, tỷ lệ giải ngân xấp xỉ 51%, tương ứng 51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đáng giá hiệu quả đầu tư công còn nhiều hạn chế. Một số ngành, lĩnh vực, địa phương đầu tư công dàn trải. Các dự án đầu tư hoàn thành chưa kịp thời so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn thấp và còn có trường hợp thất thoát, lãng phí…

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ. (Ảnh: Vietnam+)

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách Nhà nước và các pháp luật chuyên ngành. Trên thực tế, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư, khiến quy trình, trình tự, thủ tục chồng chéo và phức tạp.

Bên cạnh đó, kết quản kiểm toán nhận thấy công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc. Các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh. Thêm vào đó, năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, bộ, ngành chưa chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường và thiếu hiệu quả...

Phó Tổng Kiểm toán Doãn Anh Thơ cho rằng để có bức tranh tổng thể và toàn diện hơn, cần phải chỉ ra được những nút thắt trong đầu tư công, từ đó có những giải pháp trọng tâm, căn cơ nhất để nhanh chóng khơi thông dòng vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo đà tăng tưởng, thúc đẩy và phục hồi kinh tế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Tiến sỹ kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của nhiều ban ngành, địa phương với quyết tâm thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện pháp.

Theo ông Thịnh, các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh công tác lập dự án đầu tư công đồng thời khẩn trương rà soát, kiểm tra kỹ và tiến hành phân bổ hết vốn chi tiết cho từng dự án. Các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng phải có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất. Hơn nữa, các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn cần xử lý dứt điểm, trong đó tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng.

Ông Thịnh kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, tiến hành rà soát, hài hòa các yêu cầu, thủ tục quản lý và cấp vốn đồng thời giảm các thủ tục phê duyệt không cần thiết.

Ông Thịnh cho rằng các chủ dự án phải khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc có khối lượng đầu tư đã hoàn thành. Trên cơ sở đó, các chủ dự án thực hiện đầy đủ các thủ tục, chứng từ để đẩy nhanh tốc độ cấp vốn theo các hình thức thanh toán đã được thống nhất.  

“Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và có các quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được thực hiện từ khâu lập kế hoạch đầu tư sơ bộ, đến lập dự án tiền khả thi, lập dự án khả thi, kiểm tra, giám sát, thẩm định các dự án, đến các khâu giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư đến khâu thực hiện đầu tư dự án...,” ông Thịnh nói.

Trong 9 tháng của năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công xấp xỉ 51%, tương ứng 51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. (Ảnh: Vietnam+)

Trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành IV-Vũ Thanh Hải cho biết để giải quyết cơ bản tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công cần sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư cũng như các quy định hiện hành của Nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng và các quy định khác có liên quan.

Theo ông Hải, công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện đầu tư công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cần phải đổi mới, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cần nâng cao nhằm tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn.

Đặc biệt, ông Hải cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật và bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.

“Hội đồng Nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương có trách nhiệm tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương cũng như giám sát chặt chẽ sản phẩm đầu ra, đảm bảo phù hợp với phương án, tiêu chí lựa chọn,” ông Hải nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục