Kiểm toán Nhà nước góp phần tháo gỡ các nút thắt, đẩy mạnh cổ phần hóa

Hoạt động kiểm toán góp phần tháo gỡ các nút thắt, những bất cập trong quá trình triển khai cổ phần hóa, cung cấp thông tin để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp.
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm, quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước và có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình…”

Nội dung trên được tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề cập tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán nhà nước,” ngày 24/11.

Giá trị thực tế vốn Nhà nước tăng hàng chục nghìn tỷ đồng

Nghị quyết số 12-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định rõ: “Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn Nhà nước” trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết, ông Tiên cho biết Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm toán quá trình xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước cổ phần hóa. Điều này góp phần tích cực trong việc minh bạch hóa nền tài chính quốc gia và phòng chống tham nhũng đồng thời chống thất thoát tài sản công.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán cũng góp phần tháo gỡ các nút thắt, những bất cập trong quá trình triển khai cổ phần hóa, được thể hiện thông qua việc cung cấp thông tin để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp và các cơ quan dân cử thực hiện thẩm quyền giám sát.

[Kiểm toán Nhà nước: Cần phải điều chỉnh tự chủ đại học công lập]

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, từ năm 2017 đến nay, toàn ngành đã kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (giai đoạn 2016-2020) của 16 doanh nghiệp.

Kết quả kiểm toán cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị thực tế vốn Nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447 tỷ đồng.

Nhận diện nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa

Cũng trong thời gian này, ngành đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp. Trong đó, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu-phải trả chưa đầy đủ. Một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa hoặc sử dụng đất không đúng mục đích hay xác định nợ phải trả không chính xác.

Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất… dẫn đến kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576 tỷ đồng.

Theo Tổng kiểm toán Nhà nước, công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Cụ thể, số lượng các cuộc kiểm toán còn nhỏ so với yêu cầu, nhiềudoanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa nhưng Kiểm toán Nhà nước chưa thực hiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý hướng dẫn công tác xác định giá trị doanh nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập liên quan đến các vấn đề xử lý tài chính, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Thêm vào đó, công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp Nhànước còn chưa tốt.

“Điều này, ảnh hưởng đến công tác kiểm toán, đặc biệt là việc lưu trữ, cung cấp hồ sơ tài liệu, hồ sơ pháp lý của tài sản hiện hành,” ông Tiên chỉ ra.

Về điều này, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) cho biết từ năm 2016-đến nay, 177 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là trên 207.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2020, chỉ mới tiến hành cổ phần hóa được 37/128 doanh nghiệp thuộc danh mục theo Quyết định số 26 và bằng 28% kế hoạch đặt ra.

“Có nhiều vướng mắc và khó khăn trong việc thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên có nguyên nhân bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước chưa quyết liệt triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn. Do đó, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là đảm bảo minh bạch các quan hệ kinh tế, tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đồng thời minh bạch hóa trong đánh giá tài sản, giá trị doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước,” ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cần sớm nhận thức lại yêu cầu và cách thức kiểm toán, chu trình kiểm toán phù hợp các quy trình xử lý tổng hợp thông tin kế toán, trình bày các thông tin tài chính trên báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế và Việt Nam.

Riêng trong kiểm toán doanh nghiệp cổ phần hóa, ông Thanh cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm đặc biệt đến việc xem xét và đánh giá môi trường kiểm toán.

“Một doanh nghiệp luôn thường trực ý thức chấp hành pháp luật thì có sự quan tâm tổ chức hạch toán rất đầy đủ cũng như môi trường kiểm toán minh bạch. Cổ phần hóa doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách của quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế cũng như xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường đa sở hữu ở Việt Nam. Đây là việc làm không dễ dàng, do đó Kiểm toán Nhà nước với vai trò là cơ quan và công cụ kiểm tra tài chính nhà nước tối cao cần đóng vai trò tịch cực hơn, có hiệu quả hơn trong quá trình này,” ông Thanh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.