Kiểm toán NN cần chỉ đạo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm

Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước cần chỉ đạo công tác phát hiện chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng...
Kiểm toán NN cần chỉ đạo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ảnh 1Đại tướng Tô Lâm phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 10/11, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra, chủ trì Hội nghị công bố kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước.

Tham gia Đoàn kiểm tra có ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Đoàn; thành viên Đoàn kiểm tra gồm các cán bộ thuộc các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội.

Làm việc với Đoàn, tại Kiểm toán Nhà nước có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cùng các ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong 10 năm qua (từ năm 2011 đến năm 2021), Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, triển khai cũng như tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm nói riêng; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực này gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành.

Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 155 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo (như Chỉ thị số 110-CT/BCSĐ, ngày 30/01/2019 về việc tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực). Ban hành các quy trình, quy định nội bộ nhằm phòng ngừa các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

[Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý 198 văn bản pháp luật sai quy định]

Trong 10 năm qua, Kiểm toán Nhà nước tiếp nhận 891 đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị; đã xử lý theo thẩm quyền 83 đơn, không thuộc thẩm quyền 808 đơn; chuyển 3 đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 2.116 cuộc kiểm toán và phát hành 2.468 Báo cáo kiểm toán; phát hiện và chuyển 32 vụ có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực, chặt chẽ, kịp thời; đồng thời thông báo kết quả kiểm toán tới các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định, từ đó, cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý nguồn tin về tội phạm.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế tồn tại, trong đó công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên đề đối với công tác này còn ít, hầu hết lồng ghép trong các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra. Kết quả phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm của cấp ủy, tổ chức đảng qua công tác kiểm tra, giám sát; công tác tự phát hiện của các đơn vị; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ chưa nhiều. Việc kiến nghị xử lý các sai phạm phát hiện qua kiểm toán có lúc, có việc chưa tương xứng với tính chất, mức độ về sai phạm. Công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán từng lúc, từng nơi chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả công tác phát hiện nguồn tin về tội phạm qua việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tố giác tội phạm còn hạn chế.

Kiểm toán NN cần chỉ đạo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ảnh 2Ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Đoàn kiểm tra - Đại tướng Tô Lâm, ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng của Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua.

Đại tướng Tô Lâm yêu cầu Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế được Đoàn kiểm tra chỉ ra và đề nghị Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trong tình hình mới, đảm bảo nguồn tin báo đều được tiếp nhận, chuyển giao để giải quyết theo quy định của pháp luật, không để lọt, nhất là tin báo tham nhũng, tiêu cực, kinh tế.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm và tính nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của từng cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn để phát hiện từ sớm, từ xa các hành vi sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Quan tâm xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên, nhất là đội ngũ cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đầy đủ các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 4, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết quả thực hiện theo quy định.

Cần đặc biệt quan tâm, chú trọng hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm để tiến hành kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác phát hiện tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán; thường xuyên kiểm tra, thẩm tra kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán; kịp thời phát hiện các vi phạm trong hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phát hiện nguồn tin tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán; cần nhận diện các dấu hiệu của tội phạm thường gặp trên các lĩnh vực để nâng cao chất lượng phát hiện tội phạm trong quá trình kiểm toán…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của Đoàn kiểm tra, đặc biệt là phát biểu kết luận của đồng chí Trưởng Đoàn. Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục