Để kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát tại 40 doanh nghiệp, công trình xây dựng.
Thành phần Đoàn kiểm tra gồm đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Công an, Sở Xây dựng, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Hà Nội.
Trưởng đoàn kiểm tra số 1 là ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
Trưởng đoàn kiểm tra số 2 là ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố.
[Hà Nội: Yêu cầu dỡ toàn bộ thiết bị ở 40 phòng karaoke chưa cấp phép]
Theo kế hoạch, thời kỳ kiểm tra từ tháng 1/2023 đến thời điểm kiểm tra.
Các nội dung chính gồm kiểm tra, kết luận việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ của doanh nghiệp, công trình xây dựng; xử lý vi phạm và kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ những văn bản trái quy định của pháp luật (nếu có).
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao xây dựng đề cương, lịch kiểm tra, thông báo cho các đơn vị liên quan và chuẩn bị các điều kiện phục vụ Đoàn kiểm tra; tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố theo quy định.
Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp trên địa bàn đã được các ngành chức năng của Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm cùng với công tác tập huấn, tuyên truyền pháp luật.
Công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đặc thù về an toàn lao động cũng được thành phố thực hiện nghiêm túc.
Trong năm 2022, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn thành phố đã tiếp nhận khai báo, đăng ký 4.145 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của 499 đơn vị; tiếp nhận đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho 1.106 đơn vị với 453.552 thiết bị nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị chức năng, một số doanh nghiệp còn đối phó trong việc chấp hành pháp luật, tại nhiều làng nghề, người lao động không quan tâm đến việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động nên công tác tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 89 vụ tai nạn lao động, 112 người bị nạn; trong đó, 16 vụ nghiêm trọng, 16 người chết, 5 người bị thương nặng./.