Kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại các địa phương

Bão số 2 là cơn bão đầu mùa, dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại một số địa phương mà thời gian vừa qua đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Tại đảo Cô Tô, hơn 500 tàu thuyền đang neo đậu. (Ảnh: TTXVN phát)
Tại đảo Cô Tô, hơn 500 tàu thuyền đang neo đậu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương và thành phố Hà Nội; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an.

Nội dung công điện như sau: Hiện nay, bão số 2 (tên quốc tế là MUN) đang tiếp tục di chuyển hướng về đất liền nước ta. Theo dự báo, bão số 2 có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Bộ, có thể xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, đặc biệt là một số tỉnh phía Tây Bắc Bộ.

Đây là cơn bão đầu mùa, dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại một số địa phương vừa qua đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Để hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ,” tập trung một số nhiệm vụ sau.

Đối với trên biển, tiếp tục rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển. Tổ chức, hướng dẫn bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, bãi thải khai thác khoáng sản; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Đối với khu vực miền núi, trung du, tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Một số nhiệm vụ cụ thể: Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều…

Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao…

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

Kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại các địa phương ảnh 1 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc (bên phải) thăm hỏi người dân nuôi trồng thủy sản tại Hòn Cỏ, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ngày 3/7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại huyện Vân Đồn.

Kiểm tra tại cảng Vân Đồn, khu vực nuôi trồng thủy sản của hơn 60 hộ ở Hòn Cỏ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh ghi nhận, đánh giá cao công tác chủ động phòng chống bão của huyện Vân Đồn nói chung và ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Vân Đồn là huyện đảo với nhiều tàu thuyền đánh bắt và lồng bè nuôi trồng thủy sản. Bí thư Huyện ủy Vân Đồn Tô Xuân Thao cho biết đến chiều 3/7, đã có hơn 1.300 phương tiện tàu, thuyền của các xã, thị trấn được kêu gọi và nắm được thông tin để di dời vào các nơi tránh trú an toàn; 531 nhà bè nuôi trồng thủy sản và dịch vụ được chằng chống chắc chắn, an toàn; đồng thời sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ.

Bên cạnh đó, huyện nắm chắc số lượng khách du lịch, thông báo cho nhân dân và du khách diễn biến của bão để chủ động về đất liền; đồng thời chỉ đạo các địa phương đảm bảo an toàn cho du khách còn lưu trú trên địa bàn.

Các ngành chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương án đã xây dựng, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ… .

Tỉnh Ninh Bình đang triển khai nhiều phương án ứng phó với bão số 2. Trong đó, đối với vùng biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình yêu cầu tất cả các tàu, thuyền, phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn trước 18 giờ ngày 3/7.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, các đơn vị chức năng đã tổ chức thông tin cho 130 phương tiện với 352 thuyền viên thuộc địa bàn quản lý biết về diễn biến của bão trên Biển Đông để chủ động phòng tránh.

Hiện tất cả các tàu, thuyền và thuyền viên hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó, có 9 phương tiện/74 thuyền viên hoạt động xa bờ đã tránh trú bão tại cửa Đáy (Ninh Bình), Đồ Sơn (Hải Phòng), Ninh Cơ và Thịnh Long (Nam Định); 121 phương tiện với 278 thuyền viên hoạt động gần bờ đã neo đậu tại bến.

Mặt khác, các đơn vị tiếp tục thông báo cho 314 chủ với 193 lều, chòi cùng 224 lao động đang hoạt động ngoài đê Bình Minh 3 và khu vực Cồn Nổi về hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động phòng, tránh, sẵn sàng di chuyển sơ tán vào bờ trước 18 giờ ngày 3/7.

Tỉnh Ninh Bình triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh 3 và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn xong trước 18 giờ ngày 3/7. Cùng với đó là huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế.

Các địa phương chỉ đạo thôn, xóm giúp các gia đình chính sách, neo đơn phòng tránh bão đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát và chủ động phương án tiêu thoát nước đô thị, các khu công nghiệp để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình Thủy lợi triển khai phương án chống úng, đảm bảo an toàn cho lúa mùa mới cấy, hoa màu; có phương án đảm bảo an toàn cho diện tích ao, hồ mới nuôi trồng thủy, hải sản.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Ninh Bình kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đường dây truyền tải điện; cung cấp điện bơm tiêu úng và an toàn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Dự kiến, từ đêm 3/7 đến ngày 5/7, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình Thủy lợi chuẩn bị cho vận hành 4 trạm bơm, 16 cống dưới đê và cống hồ nhằm tiêu thoát nước kịp thời khi xảy ra mưa lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục