Bộ Giao thông Vận tải lên phương án ứng phó với ảnh hưởng cơn bão số 2

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị của ngành chuẩn bị sẵn sàng phương tiện và nhân lực để ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 2 đổ bộ vào khu vực phía Bắc.
Bộ Giao thông Vận tải lên phương án ứng phó với ảnh hưởng cơn bão số 2 ảnh 1Tàu thuyền được neo đậu vào nơi an toàn nhằm tránh trú bão. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Các đơn vị trong ngành giao thông đã có các phương án ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 2 như đảm bảo giao thông khi có sự cố sạt lở đất đá gây tắc đường, tàu và thuyền phải neo đậu an toàn nhằm tránh trú bão.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 2 trên các bảng tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn, diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời để chủ động trong công tác phòng tránh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý Đường bộ 1, 2, 3, các cơ quan, đơn vị trong ngành chuẩn bị dầm cầu Bailay, phao, xe máy, nhân lực sẵn sàng đảm bảo giao thông khi có sự cố sạt lở đất đá gây tắc đường và duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu.

[Bão số 2 giật cấp 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Ninh Bình]

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại vùng neo đậu, các cửa sông, cửa biển, vùng nước quanh các đảo, luồng lạch; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu, trú tránh đảm bảo an toàn, những nơi neo đậu không an toàn kiên quyết yêu cầu thuyền trưởng, chủ phương tiện di chuyển đến nơi an toàn.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các Chi Cục và các Cảng vụ Đường thủy nội địa phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy vào khu neo đậu an toàn trong luồng lạch, vùng thủy nội địa.

Đài thông tin Duyên hải theo dõi, cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão để các phương tiện đang hoạt động trên biển biết và chủ động các biện pháp phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.

Sở Giao thông Vận tải các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ kiểm tra công tác an toàn đối với các bến đò dọc, đò ngang; không cho phép chủ đò, chủ thuyền chở người và phương tiện giao thông khi có lũ lớn, sóng to gió lớn; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị và lực lượng ứng cứu để khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24 giờ và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục