Kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Bình Định

Theo Đại tướng Tô Lâm, qua kiểm tra, cần đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng và việc đôn đốc thực hiện.
Kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Bình Định ảnh 1Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Ngày 12/10, Đoàn Kiểm tra số 2 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm trưởng đoàn đã công bố kế hoạch kiểm tra, quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Trưởng Đoàn Kiểm tra số 2 đánh giá cao những kết quả trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định. Đời sống nhân dân được nâng cao, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững.

Đại tướng Tô Lâm thông tin qua kiểm tra, cần đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; kết quả khắc phục bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc kiểm tra nhằm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, kiến nghị xử lý tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và vi phạm trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Ban Chỉ đạo.

Đoàn sẽ kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đấu giá tài sản; giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đặc biệt là việc rà soát, khắc phục bất cập, khoảng trống về cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, của thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn tỉnh.

Trong sáng 12/10, Đoàn Kiểm tra làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cơ quan, đơn vị liên quan; nghe Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo kết quả tự kiểm tra; ý kiến trao đổi của các thành viên Đoàn Kiểm tra và ý kiến bổ sung, giải trình của đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Định.

Sau đó, Đoàn Kiểm tra trực tiếp làm việc với Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân tỉnh; Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh; các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Thanh tra tỉnh; Cục Thi hành Án Dân sự; Công an tỉnh.

Nếu xét thấy cần thiết, Đoàn Kiểm tra sẽ làm việc với một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Trong quá trình làm việc, Đoàn Kiểm tra sẽ nghe cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị được kiểm tra báo cáo; nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan; thông qua Báo cáo kết quả tự kiểm tra ở các cơ quan, đơn vị.

Căn cứ kết quả kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, Đoàn Kiểm tra sẽ xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của Thường trực Tỉnh ủy Bình Định và hoàn thiện dự thảo Báo cáo để tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

[Ban hành Chiến lược Quốc gia Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực]

Căn cứ ý kiến đóng góp tại Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra và kết quả kiểm tra, xác minh bổ sung (nếu có), Đoàn Kiểm tra hoàn thiện Báo cáo kết quả kiểm tra đề báo cáo Ban Chỉ đạo.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch, chỉ thị và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tư pháp, cải cách tư pháp, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phối hợp trong công tác hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp với chính quyền địa phương trong định giá, giám định, cung cấp thông tin, chứng cứ, tài liệu phục vụ hoạt động giải quyết, xét xử và thi hành án các vụ án, vụ việc, qua đó hạn chế tối đa việc phát sinh các vụ án, vụ oan, sai, tồn đọng kéo dài...

Kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Bình Định ảnh 2Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Từ năm 2016 đến nay, thông qua công tác kiểm tra văn bản thẩm quyền, Bộ Tư pháp và tổ chức tư pháp của các bộ, cơ quan ngang bộ phát hiện và kết luận 20 văn bản của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định ban hành có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật; 2 văn bản ban hành có sai sót về soạn thảo văn bản. Đến nay, địa phương đã khắc, xử lý xong 21/22 văn bản.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng trong công tác cán bộ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định kịp thời cụ thể hóa, ban hành 13 văn bản quy định về công tác cán bộ; tập trung rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ ra.

Bên cạnh những việc làm được, việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật trên địa bàn tỉnh có nội dung còn chậm. Một số ít văn bản cụ thể hóa có nội dung, thể thức chưa phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục