Kiểm tra việc xây dựng, tu bổ các Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã hỗ trợ phía Campuchia hơn 13 triệu USD để thực hiện 20 dự án xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo Đài hữu nghị.
Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại tại thành phố Serey Sophorn, tỉnh Banteay Meanchey, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 430km về phía Tây Bắc. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 6/12, kỳ họp lần thứ IV giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia đã diễn ra tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện các dự án, thống nhất phương hướng phối hợp trong thời gian tới.

Tại kỳ họp, hai bên đánh giá cao những kết quả đã đạt được theo nội dung biên bản kỳ họp lần thứ III và việc triển khai thực hiện các dự án bảo đảm chất lượng, kết quả tốt.

Đồng thời, hai bên khẳng định đã phối hợp chặt chẽ trong việc khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất phương án xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia; việc thiết kế, lập dự toán, báo cáo thẩm định theo đúng quy định.

Hai bên thường xuyên trao đổi, thống nhất biện pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả, tích cực kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai việc xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo Đài hữu nghị.

Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã hỗ trợ phía Campuchia hơn 13 triệu USD để thực hiện 20 dự án xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo Đài hữu nghị và sửa chữa nâng cấp trụ ở làm việc của Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia.

[Không ngừng củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp Việt Nam-Campuchia]

Với nỗ lực của hai bên, đến nay, trong số 20 dự án được phía Việt Nam hỗ trợ kinh phí, có 16 dự án đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo; ba dự án đang triển khai và một dự án chuẩn bị khởi công.

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ký kết tại các kỳ họp và thống nhất các Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia trên đất Campuchia là công trình lịch sử văn hóa tiêu biểu cho quan hệ hai nước, do vậy cần được bảo vệ và quản lý chặt chẽ thông qua việc xây dựng Nghị định thư hoặc thỏa thuận cấp Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục