Ngày 22/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh (TGB), Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn Việt Nam (VCG) phối hợp tổ chức hội thảo "Hợp tác Việt Nam-Campuchia trong bối cảnh mới của ASEAN" và công bố Chương trình Caravan hành trình kết nối doanh nhân Việt Nam-Campuchia.
Caravan hành trình kết nối doanh nhân Việt Nam-Campuchia sẽ diễn ra từ 5-8/12 với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Caravan lần này, cũng được ghi nhận là một trong những caravan với kỷ lục nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam và Campuchia tham gia nhất.
Trong khuôn khổ caravan, có nhiều hoạt động tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực tư nhân như VCCI Cần Thơ chủ trì kết nối 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh, thành lớn của cả nước với doanh nghiệp Campuchia. Đặc biệt, nhằm mục đích kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, Ban tổ chức còn triển khai "Diễn đàn hợp tác kinh doanh Việt Nam-Campuchia tại Phnom Penh."
[Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giữa Hà Nội-Phnom Penh]
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, thông qua Caravan lần này, doanh nhân hai nước sẽ được tạo điều kiện xúc tiến đầu tư, thương mại song phương trong bối cảnh mới của ASEAN.
Bên cạnh đó, caravan sẽ giới thiệu món bánh Katum làm từ giống lúa nếp mùa lưu trữ tại Viện nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long từng thất truyền nay được một nghệ nhân người dân tộc Khmer tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam phục hồi. Ngoài ra, còn có Hội thi làm bánh dân gian Nam bộ "Hương vị miền Tây lần 2" sẽ được triển lãm tại Đại học Tiền Giang; Lễ hội Việt Nhật 2019 tại Cần Thơ…
Tại hội thảo "Hợp tác Việt Nam-Campuchia trong bối cảnh mới của ASEAN," ông SokDareth, Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh với vị thế dẫn dắt nền kinh tế khu vực phía Nam sẽ kết nối hiệu quả hơn hợp tác giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, đồng thời thành phố luôn được đánh giá là đầu mối giúp xúc tiến giao thương cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Từ đó, các doanh nhân nhân rộng những mô hình đầu tư đã triển khai, cũng như tìm kiếm cơ hội vào thị trường ngách. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có doanh nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tiền Giang đang quan tâm đến thị trường Việt Nam và Campuchia. Mặt khác, doanh nghiệp là đội ngũ quan trọng trong việc góp ý, đưa ra biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước một cách thực chất và đạt kết quả cao nhất./.