Kiên Giang bổ sung mới vùng cấm khai thác thủy sản trên biển

Tỉnh Kiên Giang bổ sung mới vùng cấm khai thác từ bờ biển đến các điểm nối liền các điểm cách bờ biển ra 3 hải lý và cách các đảo, quần đảo ra 1 hải lý.
Kiên Giang bổ sung mới vùng cấm khai thác thủy sản trên biển ảnh 1Thuyền đánh bắt thủy sản tại vùng biển ven bờ huyện Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có quy định mới về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, về quy định phần khai thác thủy sản vẫn giữ nguyên các vùng khai thác theo quy định trước đây, gồm vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi, vùng đệm giữa hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và vùng cấm khai thác có thời hạn.

Bổ sung mới vùng cấm khai thác từ bờ biển đến các điểm nối liền các điểm cách bờ biển ra 3 hải lý và cách các đảo, quần đảo ra 1 hải lý.

Bởi vùng này quy hoạch để nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo theo Quyết định 1298/QĐ-UBND ngày 15/6/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phê duyệt, rà soát quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Mục đích của quy định vùng cấm khai thác nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, bảo vệ môi trường sống, sinh sản của các loài sinh vật biển cũng như tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo, đảm bảo hài hòa giữa khai thác, bảo vệ nguồn lợi và nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản của Kiên Giang đến năm 2020.

Trong quy định tàu cá và các loại nghề hoạt động khai thác tại các vùng biển, Kiên Giang cũng giới hạn vùng khai thác đối với tàu cá làm nghề lưới vây ngời, vây ngày (không giới hạn công suất máy tàu) được phép khai thác đàn cá nổi ở vùng lộng và vùng biền ven bờ, nhưng không được vào vùng cấm khai thác và vùng cấm khai thác có thời hạn.

Tỉnh cũng bỏ quy định “không cho phép tàu cá lắp máy có tổng công suất chính từ 90 mã lực (CV) trở lên hoạt động khai thác nghêu lụa, sò lông tại vùng lộng và vùng biển ven bờ.”

Số lượng tàu, khu vực được phép khai thác nghêu lụa, sò lông do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố bổ sung cụ thể, trên cơ sở khảo sát thực tế nguồn lợi vùng biển trước mùa vụ của cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đối với các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm, Kiên Giang đưa 4 điểm chính được bổ sung, gồm cấm quanh năm đối với toàn bộ tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ở vùng cấm khai thác; cấm các nghề đáy biển, đáy trong sông và đầm Đông Hồ (thị xã Hà Tiên); nghề đăng (dớn), te, xiệp, nghề cào cầu gai (banh lông) vì những nghề này khai thác phá hủy môi trường đáy biển, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh sản của nhiều loài sinh vật biển.

Tuy nhiên, không cấm khai thác cầu gai vì con cầu gai có thể khai thác bằng các phương tiện khác; cho phép các nghề làm nghề lưới moi/ruốc ở tầng nước mặt được phép khai thác trong vùng cấm khai thác có thời hạn.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng cấm phát triển tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 30 mã lực hoạt động các nghề khai thác thủy sản; riêng nghề lưới kéo (cào đơn, cào đôi) cấm phát triển tàu lắp máy chính dưới 90 mã lực.

Tỉnh Kiên Giang cũng phân cấp quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng lộng và vùng biển ven bờ.

Ủy ban Nhân dân cấp huyện tổ chức quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác và vùng nước nội địa.

Ủy ban Nhân dân cấp xã thành lập các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng cấm khai thác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.