Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang không ngừng khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ của Đảng, nhà nước về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể.
Kiên Giang có trên 61.000 hộ, với 237.157 người, chiếm hơn 13% tổng số dân là đồng bào dân tộc Khmer (đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh).
Chúng tôi có mặt tại chùa Cù Là Mới, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành vào những ngày tháng Tư khi không khí chuẩn bị đón Tết thật rộn ràng.
Để chuẩn bị cho mùa Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây sắp đến (diễn ra từ ngày 13-16/4, tức mùng 5 - 8/3 Âm lịch), Ban Quản trị và các vị sư sãi đều tất bật, từ việc dọn dẹp, trang trí khuôn viên chùa cho đến làm các loại bánh dân gian, luyện tập các tiết mục văn nghệ để đồng bào phật tử thưởng thức khi đến làm lễ tại đây.
Để góp phần tạo nên mùa Tết cổ truyền đầm ấm, đồng bào huyện Châu Thành đang cho thi công cây cầu nông thôn ngay đường vào chùa; tạo cảnh quan quanh chùa để người dân có nơi để sinh hoạt, cúng bái tổ tiên, ông bà. Qua đó, càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc Khmer, góp phần để Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong an ninh, an toàn và gìn giữ được bản sắc văn hóa vốn có.
Hòa thượng Danh Liêm, trụ trì chùa Cù Là Mới chia sẻ Nhà chùa đã thông báo với đồng bào, phật tử về việc sắp xếp, tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Năm nay nhà chùa sẽ tổ chức các nghi lễ, các phần trò chơi dân gian, văn nghệ... Khi người dân đến thắp nhang, chùa sẽ bố trí hợp lý, không tập trung quá đông người dân trong cùng một thời điểm, đảm bảo vấn đề an ninh, trật tự trong dịp Tết này.
Bên cạnh đó, nhà chùa tuyên truyền cho phật tử đón Tết phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, tiếp tục ra sức thi đua, học tập, lao động để góp phần giúp nhà nhà được no ấm, quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Hằng năm, hòa chung không khí tất bật chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều đoàn đến thăm và chúc Tết Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị chức sắc và Ban Quản trị các chùa Khmer trên địa bàn.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào chư tăng, phật tử và nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bà Phan Thị Hường - gia đình chính sách dân tộc Khmer tiêu biểu ngụ khu phố Minh Lạc, thị trấn Minh Lương, vừa được nhận quà Tết của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết gia đình rất vui, đặc biệt Tết năm nay gia đình mới thu hoạch vụ lúa trúng mùa, được giá, tinh thần người dân rất phấn chấn, hưởng trọn niềm vui Tết. Bà Hường tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành Tân Thành Huy cho biết những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước; sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện và nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc hỗ trợ vay vốn, mô hình làm ăn, việc làm, hỗ trợ nhà ở… đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn cơ bản ổn định.
Bộ mặt nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã có bước khởi sắc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm, nhà ở kiên cố ngày càng khang trang; khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được phát huy. Bên cạnh đó, nhân các ngày lễ, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, huyện cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà tại các chùa Phật giáo Khmer, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer.
Ông Danh Cư, người có uy tín, ngụ thị trấn Minh Lương cho biết đời sống của đồng bào Khmer đã khởi sắc hơn trước rất nhiều nhờ việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Chính phủ, các cơ quan Đảng, chính quyền, ngành dành cho đồng bào Khmer.
Bản thân ông Cư cũng thường khuyên người dân nên sống lành mạnh, tiết kiệm để cùng các cấp chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.Ông Đỗ Văn Hòa, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng ấp Minh Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành phấn khởi cho biết, có được không khí Tết Chôl Chnăm Thmây 2024 vui tươi, ấm cúng là nhờ sự tích cực nỗ lực phấn đấu tăng gia sản xuất của từng hộ gia đình đồng bào dân tộc; sự quan tâm đầu tư, chăm lo, tạo điều kiện rất lớn của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách đặc biệt dành cho đồng bào dân tộc thời gian qua.
Thanh niên, phụ nữ ở ấp đi làm công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh có thu nhập gửi về giúp gia đình giảm nghèo. Đến nay, trong ấp chỉ còn 23 hộ nghèo/ 541 hộ dân, giảm khoảng một nửa so với cách đây ba năm.
Những ngày này, không chỉ lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, các huyện, thành phố quan tâm đến thăm, tặng quà các chùa, gia đình chính sách, hộ nghèo, mà các công ty, doanh nghiệp cũng cùng đồng hành với đồng bào dân tộc Khmer nghèo trên địa bàn.
Thượng tọa Danh Rơ, trụ trì chùa Chắc Kha Cũ, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành cho biết, việc các nhà hảo tâm tặng quà nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây góp phần mang đến niềm vui cho phật tử nơi đây khi đón Tết được nồng ấm hơn.
Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang cho biết, Hội đã nhận được các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy về việc tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay.
Do vậy, Hội đã hướng dẫn Ban Quản trị các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, đồng thời tuyên truyền đến chư tăng, phật tử và đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự trong quá trình diễn ra Tết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Kiên Giang
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chúc đồng bào dân tộc Khmer, các vị chức sắc, chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 vui tươi, mạnh khỏe...
Tết Chôl Chnăm Thmây là sự kiện có ý nghĩa mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer. Phần lớn hoạt động của Tết được diễn ra tại chùa với nhiều nghi thức tín ngưỡng Phật giáo, hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian.
Đây là dịp để cộng đồng dân tộc Khmer gặp nhau, cùng ôn lại truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm sau một năm lao động, sản xuất./.