Theo Sở Công Thương Kiên Giang, tỉnh chuẩn bị hàng hóa tiêu dùng trong tháng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 hơn 54.730 tấn, với tổng giá trị trên 2.400 tỷ đồng.
Cụ thể các mặt hàng thiết yếu bao gồm gạo và lương thực khác; thịt các loại, tôm, cá, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến; dầu ăn, mỡ, nước mắm, nước chấm; đường, mật, sữa, bánh, mứt kẹo, chè, cà phê; rau, quả; rượu, bia…
Nguồn hàng nông sản, thủy sản được nuôi trồng, khai thác trong tỉnh và hàng thực phẩm chế biến ở các tỉnh, thành trong cả nước kết nối đưa về địa phương, kết hợp với mạng lưới đại lý thu mua, phân phối, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn để đảm bảo đáp ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.
[Tập trung bình ổn giá, kiểm soát lạm phát dịp Tết Nguyên đán 2023]
Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, cho biết ngành đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đồng thời, tỉnh sẽ cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và đặc biệt đối với các xã đảo.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ lực trong tỉnh bảo đảm tiến độ sản xuất, dự trữ hàng hóa để kịp thời cung ứng ra thị trường khi xảy ra khan hiếm hàng hóa.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
Tiếp đến, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện phương án bình ổn thị trường và tham gia chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối đến khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân.
Hiện hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phối hợp với đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ, giá cả hợp lý và đúng theo nhà cung cấp đưa ra; triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn, nhằm ổn định thị trường, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh xảy ra tình trạng tăng giá mất kiểm soát dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Riêng về lĩnh vực xăng dầu, Sở Công Thương Kiên Giang yêu cầu các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu có hệ thống phân phối trong tỉnh chủ động xây dựng và thực hiện phương án tăng nguồn cung và dự trữ lưu thông hàng hóa; thực hiện tốt quy định về kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn nhiên liệu này phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023.
Cùng đó, ngành chức sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, đo lường, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu; không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm, gây bất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và đời sống nhân dân./.