Kiên Giang: “Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024”

Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 diễn ra từ 29/9 đến 3/10 tới với 320 gian hàng tham gia của các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngày 29/9, tại thành phố Rạch Giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tỉnh Kiên Giang khai mạc "Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024" với chủ đề "Liên kết cùng phát triển-Kiên Giang 2024."

Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 diễn ra từ 29/9 đến 3/10 tới. Bên cạnh 320 gian hàng của các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, diễn đàn còn có không gian trưng bày sản phẩm nước mắm và các gian hàng chế biến thực phẩm sử dụng nước nắm truyền thống hơn 200 năm của Phú Quốc.

Tại Diễn đàn, còn có "Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại," Hội thi "Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long."

Phát biểu khai mạc, ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, cho biết Diễn đàn là sự kiện thường niên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với quy mô ngày càng được mở rộng, chất lượng sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng.

"Diễn đàn là sự kiện quan trọng để các địa phương trong cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm và quảng bá tiềm năng, cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó, tìm hiểu thị trường để xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần phát triển chương trình OCOP, nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định.

ttxvn_OCOP Kien Giang1.jpg
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm OCOP tại các gian hàng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Đến nay, sau 6 năm triển khai trên toàn quốc, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã khẳng định sự phù hợp và có sự lan tỏa mạnh mẽ. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 2.951 sản phẩm của 1.521 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, đứng thứ 2 cả nước sau vùng Đồng bằng sông Hồng.

Các địa phương vùng châu thổ sông Cửu Long đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu dồi dào như trái cây, thủy sản, lúa gạo… để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái của vùng "Đất chín Rồng."

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, nhấn mạnh sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của các địa phương. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

"Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi về tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh của địa phương. Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một sự kiện lớn của vùng, có ý nghĩa quan trọng gắn với mục tiêu hình thành không gian kết nối, giao lưu, chia sẻ và hợp tác trong sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP của vùng, đồng thời, còn là không gian để người tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối tiếp cận, trải nghiệm và giao thương sản phẩm OCOP," ông Ngô Trường Sơn nhấn mạnh.

Năm 2022, khi diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên, số lượng sản phẩm OCOP của Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 3 cả nước, chiếm tỷ lệ 17,1% tổng số sản phẩm OCOP. Đến năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên đứng thứ 2, chiếm tỷ lệ 21,2% sản phẩm của cả nước, với chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP đa dạng, đẹp và thuận tiện hơn, chủ thể OCOP tự tin và trưởng thành hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.