Kiên Giang hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cước thuê bao vệ tinh giám sát hành trình tàu cá

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS thực hiện 4 đợt cho hàng chục ngàn lượt tàu cá của ngư dân, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa phân bổ kinh phí cho các huyện, thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân trên địa bàn năm 2024, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.

Như vậy, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS thực hiện 4 đợt cho hàng chục ngàn lượt tàu cá của ngư dân, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo về IUU Kiên Giang cho biết đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3.507 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), chiếm 99,8% trên tổng số tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị này.

Thông qua hệ thống thiết bị VMS, quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh thực hiện 214 cuộc gọi đối với 169 tàu vượt ranh giới trên biển, có 129 tàu quay về vùng biển Việt Nam và phát hành 39 văn bản cảnh báo đối với 40 tàu vượt ranh giới trên biển.

Bên cạnh đó, ngành chức năng thực hiện hơn 18.900 cuộc gọi đối với 1.672 tàu mất kết nối trên biển, có hơn 1.000 tàu bật lại thiết bị VMS kết nối với hệ thống giám sát và phát hành 330 thông báo đối với 646 tàu mất kết nối trên biển.

Cùng với đó, tỉnh xử lý vi phạm hành chính về thiết bị giám sát hành trình, các sở, ngành và lực lượng chức năng tỉnh đã xử phạt 277 vụ, 323 thiết bị, tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng, trong đó, tham mưu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16 vụ, 58 thiết bị với tổng số tiền hơn 16,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên biển, các sở, ngành và lực lượng chức năng đã xử phạt 394 vụ, tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia 788 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong khai thác thủy sản với số tiền hơn 34,3 tỷ đồng.

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần 5 về IUU dự kiến vào tháng 10/2024.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết tỉnh chuẩn bị đầy đủ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC.

Ngành chức năng và đơn vị có liên quan phối hợp với địa phương tổ chức triển khai dứt điểm việc đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá "3 không" theo kế hoạch; phối hợp với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác điện tử eCDT cho các tàu cá theo kế hoạch; xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm thiết bị VMS từ tháng 10/2023 đến nay.

Ngành chức năng, đơn vị liên quan rà soát, thống kê, bố trí nhân lực hoàn chỉnh các hồ sơ liên quan đến quản lý tàu cá; giám sát sản lượng lên bến; kiểm tra tàu cá cập, rời cảng; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; công tác phối hợp xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU; duy trì vệ sinh cảng cá sạch sẽ, hệ thống nước thải đảm bảo về môi trường, sắp xếp và bố trí cảng cá gọn gàng, ngăn nắp.

Tiếp đến, tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tập trung điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ tháng 10/2023 đến nay.

Đồng thời, rà soát, thống kê và củng cố hồ sơ lưu trữ về tàu cá xuất, nhập bến, nhất là tại các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng; hồ sơ xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Mặt khác, tỉnh yêu cầu Công an tỉnh Kiên Giang thực hiện cao điểm phối hợp điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Ngoài ra, tỉnh đề nghị các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, gồm: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 tăng cường tuần tra, kiểm soát tại vùng khơi biển Kiên Giang, các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Đồng thời, bố trí thêm phương tiện tuần tra dọc biên giới biển và xử lý nghiêm các tàu vi phạm khai thác IUU; quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục