Kiên Giang hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển thị trường

Kiên Giang tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chủ động phát triển thị trường, liên kết và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch với đối tác cùng hợp tác phát triển.
Kiên Giang hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển thị trường ảnh 1Khách du lịch tắm biển tại Bãi Sao, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Quý 1/2023, tỉnh Kiên Giang đón gần 2,3 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, đạt 27,6% kế hoạch (tăng 44,7% so cùng kỳ năm 2022).

Khách quốc tế hơn 207.000 lượt khách, đạt 59% kế hoạch (tăng 9,1 lần so cùng kỳ năm 2022). Doanh thu từ du lịch ước trên 5.360 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch (tăng 263,7% so cùng kỳ).

Lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang cho hay tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút du khách trong nước và quốc tế.

[Phú Quốc lo vắng du khách dịp 30/4 do giá vé máy bay tăng cao]

Trước mắt, địa phương tập trung chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, sẵn sàng đón khách du lịch vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch) và du lịch Hè; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, giá các loại dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái nhấn mạnh tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước; tham gia các diễn đàn kết nối doanh nghiệp, các sự kiện có liên quan đến hoạt động du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu những tài nguyên, sản phẩm du lịch của địa phương. Qua đó, thu hút du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm.

Kiên Giang tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đồng thời, tổ chức đón, tiếp các đoàn Famtrip, Presstrip trong và ngoài nước đến địa phương khảo sát, trải nghiệm.

Tỉnh nghiên cứu, khảo sát các khu, điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn, các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng, độc đáo để đầu tư nhằm tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách, nhất là du lịch sinh thái, biển đảo...

Kiên Giang tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động phát triển thị trường, liên kết và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch với đối tác cùng hợp tác phát triển du lịch địa phương, góp phần đưa “Du lịch Kiên Giang” trở lại quỹ đạo phát triển.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, tháng 4/2023, tỉnh sẽ tham gia 2 sự kiện xúc tiến du lịch gồm: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2023 (dự kiến thu hút 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia); Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 19 (dự kiến có 37 doanh nghiệp tham gia với hơn 120 gian hàng kích cầu du lịch, trưng bày, triển lãm và ẩm thực…).

Kiên Giang đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch, mời gọi, thu hút đầu tư và tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết phát triển.

Năm 2023, tỉnh có hơn 30 hoạt động xúc tiến trong và ngoài tỉnh như: tổ chức các chương trình khảo sát sản phẩm thương mại, kết nối tuyến, dịch vụ, rà soát bộ dữ liệu thông tin phục vụ xúc tiến, thương mại, du lịch; các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa trên địa bàn; tiếp đón các hãng lữ hành, đơn vị truyền thông, báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch, kết nối tuyến du lịch; đồng thời tổ chức sự kiện kết nối đầu tư vào địa phương; phối hợp với các tổ chức, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam để xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nước ngoài…

Kiên Giang hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển thị trường ảnh 2Tàu cao tốc đưa đón người dân và khách du lịch từ thành phố Rạch Giá ra đảo Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Đến nay, Kiên Giang đã thu hút 328 dự án đầu tư vào phát triển du lịch, với tổng diện tích hơn 10.000ha và tổng vốn đầu tư trên 380.000 tỷ đồng. Trong số đó, 75 dự án đã đi vào hoạt động, tổng quy mô 1.300ha và tổng vốn đầu tư hơn 19.200 tỷ đồng; 84 dự án đang triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư khoảng 197.550 tỷ đồng; 169 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với tổng vốn thực hiện hơn 163.320 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Kiên Giang đến năm 2030, tỉnh xác định 4 vùng trọng điểm gồm: Phú Quốc, Hà Tiên-Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá-Kiên Hải và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận. Đồng thời, Kiên Giang triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án như: Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển Du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển Du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, phối hợp với ngành chức năng và các địa phương đưa vào khai thác các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, sản phẩm OCOP, sản phẩm nghề truyền thống phục vụ du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục