Tiếp tục chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang dự kiến huy động nguồn vốn 17.000 tỷ đồng để thực hiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, giai đoạn tới, ngoài 5 huyện Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Gò Quao và Kiên Lương, tỉnh phấn đấu có thêm các huyện U Minh Thượng, Châu Thành, Phú Quốc, Kiên Hải được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, Tân Hiệp là huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến năm 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế… đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để đạt nhiệm vụ này, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; xây dựng chương trình, kế hoạch sau năm 2020 phù hợp với điều kiện thực tế.
Các huyện đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết nối với nông thôn và đô thị, chuỗi liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân, bảo vệ môi trường… trong xây dựng nông thôn mới.
[10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới]
Trọng tâm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ở Kiên Giang là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng kinh tế địa phương.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị (OCOP); phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch; chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị...
Đặc biệt, Kiên Giang tăng cường giải pháp huy động nguồn lực; lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn theo cơ chế của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Huy động tối đa nguồn lực của địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng và huy động đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện; tăng cường giám sát, quản lý việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2011-2020, tỉnh huy động nguồn vốn xây dựng nông thôn mới khoảng 29.186 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 64/117 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54,7% và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới.
Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 tại Kiên Giang thực sự đi vào cuộc sống.
Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, giảm đáng kể hộ nghèo.
Đặc biệt, phong trào này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 46,2 triệu đồng/người/năm - tăng 1,57 lần so với năm 2015.
Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 chỉ hơn 4,1%, giảm bình quân từ 1-1,5%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 2%/năm./.