Chiều 2/10, tại thành phố Rạch Giá, đoàn đại biểu gồm lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, chỉ huy lực lượng vũ trang, đại diện lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể tỉnh Kiên Giang đã đến viếng, thắp hương tại Đình Nguyễn Trung Trực nhân kỷ niệm 153 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2021).
Do tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, lễ hội truyền thống kỷ niệm 153 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh không tổ chức phần lễ và phần hội, chỉ tổ chức phần lễ với hình thức nội bộ và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Nghi thức thắp hương diễn ra trong không khí trang trọng, thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với vị anh hùng dân tộc đã xả thân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông, đất nước.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ghi danh sử sách với câu nói khí phách bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người nước Nam đánh Tây."
Sự hy sinh của cụ Nguyễn Trung Trực đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật khởi, kiên cường chống giặc ngoại xâm của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Tên thật là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Quản Lịch, Quản Chơn, Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược.
[Tưởng niệm 152 năm ngày hy sinh của Anh hùng Nguyễn Trung Trực]
Với lòng yêu nước nồng nàn, người thanh niên dân chài Nguyễn Trung Trực đã tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Trương Định hoạt động ở vùng Gò Công.
Năm 1861, Nguyễn Trung Trực trở thành thủ lĩnh của nghĩa quân khi tuổi đời còn rất trẻ, lãnh đạo nghĩa quân lập chiến công vang dội, đốt cháy và làm chìm tàu Espérance của quân Pháp trên sông Nhựt Tảo.
Ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực tổ chức đánh úp và làm chủ một tuần lễ tại đồn Kiên Giang, diệt toàn bộ quân địch và tên chủ tỉnh. Chiến thắng hiển hách này làm bàng hoàng quân Pháp.
Sau đó, giặc Pháp tập trung quân từ Vĩnh Long kéo về chiếm lại đồn, trấn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân rút về Hòn Chông, rồi ra Phú Quốc. Quân Pháp lại đưa quân ra tấn công Phú Quốc, khống chế, khủng bố nhân dân trên đảo, quyết tiêu diệt nghĩa quân.
Trong trận chiến đấu cuối cùng, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt, dùng hết lời khuyến dụ, mua chuộc nhưng không thể nào khuất phục được.
Nhân kỷ niệm 153 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, người dân vẫn có thể đến viếng, dâng hương nhưng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định./.