Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang xây dựng thành phố Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết tập trung xây dựng thành phố Phú Quốc sớm đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại I gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng.
Xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp của quốc gia và thế giới. Phú Quốc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, "Đảo ngọc Phú Quốc" đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng cao và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Phú Quốc. Xây dựng thương hiệu "Du lịch Phú Quốc," với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo riêng của Phú Quốc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
[Đoàn du khách quốc tế hộ chiếu vaccine đầu tiên đặt chân đến Phú Quốc]
Phú Quốc kết nối du lịch với các vùng, miền trong nước và khu vực, thế giới, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, phát huy hiệu quả các dự án du lịch đã được đầu tư, khai thác như Phú Quốc United Center, VinWonders Phú Quốc, Vinpearl Safari Phú Quốc, Vinpearl Phú Quốc, Cáp treo Hòn Thơm…
Đảo ngọc phấn đấu đến năm 2025 thu hút đạt 10 triệu lượt du khách tham quan, du lịch, tăng bình quân 27,2%/năm; trong đó, khách quốc tế 4 triệu lượt du khách trở lên.
Song song phát triển du lịch, Phú Quốc phát triển các loại hình dịch vụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông, vận tải, y tế, thương mại… phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Phú Quốc thực hiện dự án khu phi thuế quan, kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại hai trung tâm thương mại Dương Đông và An Thới, hệ thống siêu thị và các chợ xã.
Phú Quốc tiếp tục nâng cao chất lượng, uy tín hàng hóa thương hiệu Phú Quốc như nước mắm, hồ tiêu, rượu sim… và giữ vững thị trường xuất khẩu nước mắm Phú Quốc vào châu Âu và một số thị trường khác.
Trong chiến lược phát triển của mình, Phú Quốc tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phú Quốc quy hoạch ổn định diện tích cây tiêu gắn với xây dựng thương hiệu và đa dạng sản phẩm để nâng giá trị hạt tiêu, phát triển các vườn hồ tiêu sinh thái chất lượng phục vụ du lịch.
Phú Quốc phát triển các mô hình trồng các loại cây ăn trái, rau màu, hoa và cây kiểng… gắn với du lịch. Lãnh đạo thành phố biển đảo này chia sẻ Phú Quốc phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học kết hợp với hỗ trợ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư để phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm OCOP. Thành phố phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, trên lĩnh vực kinh tế thủy sản, Phú Quốc vươn ra khai thác xa bờ kết hợp bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản gần bờ, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển. Phú Quốc khôi phục và phát triển các làng chài: Hàm Ninh, Rạch Vẹm…
Theo Phòng Kinh tế thành phố Phú Quốc, giai đoạn 2021-2025, Phú Quốc phấn đấu giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng 3,32%/năm, sản lượng thủy sản đạt 201.000 tấn/năm, chế biến nước mắm 12 triệu lít/năm, sản lượng tiêu 500 tấn/năm, đảm bảo giữ ổn định 37.430 ha rừng trên đảo; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 10,7%/năm…
Xây dựng Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, thành phố biển đảo này đẩy mạnh thực hiện kế hoạch, chương trình phát triển đô thị theo quy hoạch với hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại theo tiêu chí đô thị loại I, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, trước hết là đô thị Dương Đông và An Thới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc Trần Chiến Thắng cho hay Phú Quốc đẩy mạnh triển khai thực hiện các công trình của thành phố theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Phú Quốc tập trung nguồn lực xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo, kiến nghị đầu tư đường hạ cất cánh số 2 và nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Thành phố khai thác có hiệu quả Cảng hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng quốc tế An Thới, Cảng Vịnh Đầm; đầu tư mở rộng Cảng Bãi Vòng và kêu gọi đầu tư Cảng tổng hợp mũi Đất Đỏ.
Tiếp đến, Phú Quốc hoàn thành dự án nâng cấp hồ nước Dương Đông, triển khai dự án hồ nước Cửa Cạn và Suối Lớn; hoàn thành đưa vào khai thác công trình đường dây 220KVA Kiên Bình-Phú Quốc gắn với nâng cấp mạng lưới truyền tải điện trên đảo.
Phú Quốc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Hàm Ninh, di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi khu dân cư. Hoàn thành đầu tư nhà máy xử lý rác thải, nhà máy và hệ thống thu gom xử lý nước thải với công nghệ hiện đại, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường./.