Ngày 30/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 2277/BNN-TCLN gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị bổ sung ngành chế biến gỗ, lâm sản vào đối tượng tại dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Cụ thể, bổ sung gạch đầu dòng thứ 2, khoản 1, Điều 1 dự thảo Nghị định về “Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (bao gồm cả giường, tủ, bàn, ghế).”
Điều này viết bổ sung như sau: “Sản xuất, chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (bao gồm cả giường, tủ, bàn, ghế); dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 09 chỗ trở xuống).”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
[Bị tác động vì COVID-19, doanh nghiệp kỳ vọng gì ở chính sách hỗ trợ?]
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, lây lan ở nhiều quốc gia, báo cáo bước đầu của các Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản.
Hầu hết các quốc gia là thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã ban lệnh hạn chế di chuyển, đóng cửa biên giới, gây ảnh hưởng đến khả năng giao nhận, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các siêu thị, cửa hàng nên đã làm giảm đáng kể hoạt động mua sắm hàng hóa trong dịp xuân hè, đây là dịp mua sắm lớn tại các quốc gia phát triển.
Khoảng 60% doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu nhận được thông báo từ các nhà phân phối đề nghị chậm giao hàng, chưa ký kết các đơn hàng mới cho đến khi khống chế được dịch bệnh.
Nếu dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp đến cuối tháng 5 thì chỉ riêng 2 thị trường là Hoa Kỳ và châu Âu, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta sẽ giảm khoảng 700-800 triệu USD tương ứng với khoảng 10-15% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tại 2 thị trường này.
Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu phi gỗ, vật liệu phụ trợ, như sơn, keo dán dây đai, thanh trượt, bản lề, hóa chất... phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (từ Trung Quốc khoảng 80%).
Tuy Trung Quốc đã từng bước khống chế được dịch bệnh, hoạt động sản xuất dần được khôi phục, nhưng vẫn cần có thời gian để sản xuất, vận chuyển và giao hàng, dự kiến nhanh nhất cũng phải đến trung tuần tháng 4 mới có thể cung cấp được nguồn nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam.
Về lao động, do lo ngại việc lây lan dịch bệnh nên người lao động bị ảnh hưởng tâm lý, e ngại không đi làm. Mặt khác, trong thời gian tới, khi các đơn hàng đề nghị hủy, chậm giao và dừng ký các đơn hàng mới, doanh nghiệp phải cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm giờ làm, luân phiên cắt giảm lao động dẫn đến nguy cơ người lao động phải nghỉ việc hàng loạt, vừa ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, vừa ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sau thời gian khống chế được dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 91/BC-BNN-TCLN-M ngày 16/3/2020 và số 103/BC-BNN-M ngày 25/3/2020 báo cáo nhanh Thủ tướng Chính phủ; trong đó có kiến nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.
Ngày 10/3, Bộ Tài chính có Văn bản số 2650/BTC-CST về việc lấy ý kiến về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (dự thảo Nghị định) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Về dự thảo Nghị định, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp đều tha thiết đề nghị bổ sung đối tượng là chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ, lâm sản được đối xử bình đẳng như các lĩnh vực khác để giúp doanh nghiệp ngành hàng này được hưởng chính sách quan trọng của Chính phủ, giúp doanh nghiệp đỡ một phần khó khăn, vững tin vào duy trì phát triển với mục tiêu đạt 12,5-13 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020./.